Nhiều người dân ở xã Quảng Hiệp sập bẫy tín dụng đen
Từ nhiều năm nay, tín dụng đen đã "tung hoành" ở các vùng nông thôn ở huyện Cư M'gar, nhất là những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận quần chúng nhân dân, những đối tượng cho vay nặng lãi đã tổ chức phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư, các chợ... với nội dung "Cho vay không cần thế chấp, giải ngân trong ngày, nhận tiền ngay" hoặc chỉ cần "Alô là có tiền" kèm theo số điện thoại liên lạc nhằm lừa người dân vay tiền với lãi suất cao, đẩy hàng trăm gia đình nghèo đến chỗ trắng tay, nợ nần chồng chất. Chính quyền biết, nhưng khó quản, vì nhiều nguyên do. Phóng sự được phản ánh tại xã Quảng Hiệp.
Bà Nguyễn Thị Xuân đang kể lại sự việc với Công an xã
Thời gian gần đây, Công an xã Quảng Hiệp nhận được tin báo trên địa bàn xã có một số hộ dân thường xuyên bị một số đối tượng vào uy hiếp, có nhiều trường hợp vay tiền của tín dụng đen không có khả năng trả nợ, hoặc trả chưa hết thì bị một số đối tượng vào dọa giết, đập phá tài sản làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Chúng tôi đã có mặt tại gia đình bà Nguyễn Thị Xuân - ở thôn Hiệp Đoàn, xã Quảng Hiệp là một trong những gia đình bị sập bẫy của tín dụng đen. Với vẻ mặt thẫn thờ chưa hết hoảng sợ, cầm cuốn sổ nợ trên tay bà Xuân tâm sự với chúng tôi: Vay ngân hàng thì thủ tục khó khăn, do cần tiền để sinh hoạt, qua tìm hiểu bà thấy tờ rơi vay tiền với nội dung "Cho vay không cần thế chấp, giải ngân trong ngày, nhận tiền ngay", kèm theo số điện thoại trên tờ rơi. Nên tháng 9/2019 bà điện thoại vay 5 triệu đồng. Ngay lập tức các đối tượng đến tận nhà đưa cho bà 3,5 triệu đồng, nhưng bắt bà ký giấy vay 5 triệu đồng, đồng thời giao hẹn 24 ngày sau phải trả cho chúng 6 triệu đồng bao gồm cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, khi có đủ tiền để trả nợ, bà Xuân liên lạc với các đối tượng thì các đối tượng viện lý do không chịu vào lấy tiền. Sau 1 thời gian các đối tượng vào thông báo số tiền bà nợ lên đến 10 triệu đồng, đồng thời bắt bà ký giấy vay nợ 10 triệu đồng, với lãi suất 40 ngàn đồng/ngày. Đến đầu năm 2020 gia đình bà đã phải trả cho các đối tượng trên với số tiền 40 triệu đồng. Tuy nhiên các đối tượng thông báo bà còn nợ 10 triệu đồng, bà Xuân nói không còn khả năng trả nợ, thì ngay lập tức các đối tượng thường xuyên điện thoại đe dọa. Không những vậy, các đối tượng cho vay nặng lãi còn vào nhà dọa giết bà, và chặt phá 8 cây hồ tiêu của gia đình. Trước sự việc trên bà Xuân đã báo cáo chính quyền địa phương.
Cách nhà bà Xuân không xa, ngôi nhà cấp 4 mới xây dựng rộng hơn 100m2 của gia đình anh Phạm Hữu Sự đành phải bỏ hoang. Trao đổi với chúng tôi, Ban tự quản thôn Hiệp Đoàn cho biết: trước đây gia đình anh Sự có vay tiền trả góp của tín dụng đen. Do không có tiền trả, và thường xuyên bị tín dụng đen vào nhà đòi nợ, doạ giết cả gia đình. Sợ quá gia đình anh Sự chuyển đi nơi khác ở. Các đối tượng tín dụng đen nhiều lần vào đòi nợ không được, lại không có người ở nhà nên các đối tượng đã dỡ mái tôn, la phông, cửa của gia đình anh Sự mang đi.
Trao đổi với chúng tôi, đại úy Nguyễn Mạnh Khởi – Trưởng công an xã Quảng Hiệp cho biết, thời gian qua Công an xã nhận được phản ánh, có một số người dân vay tiền của tín dụng đen và bị các đối tượng tín dụng đen vào nhà đòi nợ, đe dọa. Công an xã đã cử lực lượng, phối hợp cùng với Ban tự quản các thôn tiến hành ra soát, nắm bắt thông tin. Qua tìm hiểu, từ năm 2019 đến nay trên địa bàn xã có 15 hộ gia đình ở các thôn Hiệp Đoàn, Hiệp Hưng, Hiệp Hòa, Hiệp Thịnh, Hiệp Tiến vay tiền của tín dụng đen, với số tiền từ 5 triệu – 20 triệu đồng. Thủ đoạn hoạt động chủ yếu của các đối tượng loại này là: lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một số người dân, những đối tượng cho vay nặng lãi đã tổ chức phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư, các chợ, ngã tư cột đèn… Vay tiền từ các tổ chức "Tín dụng đen" thì không cần nhiều thủ tục, không cần khai báo mục đích vay, không cần thế chấp tài sản để đảm bảo, chỉ cần một hợp đồng vay tiền viết sơ sài là đã có thể vay được tiền. Ngược lại nếu vay tiền từ Ngân hàng hay từ các tổ chức tín dụng của nhà nước khác thì cần khá nhiều thủ tục chặt chẽ, phải khai báo rõ ràng mục đích vay hoặc phải cần tài sản thế chấp…Trước thực trạng đó, Công an xã đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy, Ban tự quản các thôn tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tín dụng đen để bà con nâng cao cảnh giác.
Hàng ngày vừa phải chắt chiu nuôi gia đình, vừa phải đóng tiền lời, nhưng dù có trả bao lâu người vay tín dụng đen cũng khó có thể trả được số tiền gốc đã vay mượn. Không những thế theo phản ánh của người dân thì mỗi khi đóng tiền lời trễ hẹn, các chủ nợ luôn buông lời sỉ nhục, chửi bới, đe dọa, hành hung. Dù biết hậu quả kéo dài về sau nhưng do không thể vay từ các ngân hàng, nên nhiều người đành cam chịu vay nặng lãi. Thực tế này không chỉ xảy ra ở xã Quảng Hiệp mà còn xảy ra ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cư M'gar, gây mất an ninh trật tự ở các địa phương.
Công Phong 12.3.3