Những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Cư M'gar
Trong thời gian qua bà con nông dân ở huyện Cư M'gar đã chủ động và tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế ở địa bàn nông thôn ngày càng phát triển ổn định.
Anh Ninh ben vườn rau xanh của gia đình
Những năm gần đây chị Bế Thị Thu là một trong những hộ nông dân tiêu biểu ở thôn Hiệp Thành (xã Quảng Hiệp) có thu nhập khá từ phát triển rau xanh theo hình thức chuyên canh. Trên diện tích 5.000 m2, mỗi năm chị Thu trồng 01 vụ dưa leo, hoặc đậu cô ve, sau đó trồng cà chua. Với cách làm luân canh đã có tác dụng cải tạo và tăng độ tơi xốp cho đất, đồng thời góp phần hạn chế các loại cỏ dại và mầm bệnh gây hại cho cây trồng. Nhờ sản xuất rau xanh theo đúng quy trình kỹ thuật nên vườn rau của gia đình chị luôn phát triển xanh tốt, năng suất, sản lượng ổn định. Bình quân hàng năm chị Thu xuất bán ra thị trường hàng chục tấn rau xanh, sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng.
Còn gia đình anh Nguyễn Mã Ninh ở thôn Hiệp Thành (xã Quảng Hiệp) thời gian qua cũng có được nguồn thu nhập ổn định từ phát triển rau xanh theo hướng chuyên canh. Dù diện tích canh tác rau xanh không lớn (chỉ từ 01 đến 03 sào), nhưng cũng cho gia đình anh thu lãi bình quân đạt từ 30 đến 40 triệu đồng sau mỗi đợt thu hoạch.
Không riêng gì gia đình chị Thu, anh Ninh, những năm qua, nhiều hội viên nông dân ở huyện Cư M'gar đã chủ động và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác những thế mạnh của địa phương để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị phù hợp với thị hiếu. Hiện nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó nổi bật là việc chuyển đổi đất vườn tạp, diện tích trồng lúa nước bấp bệnh kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái, cùng với đó là các mô hình xen canh, đa canh trong vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái... Nhờ đó kinh tế và sản phẩm nông nghiệp của huyện đã phát triển ngày càng đa dạng, nhiều vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa được hình thành, đặc biệt có nhiều sản phẩm của hội viên, nông dân đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Thực tế cho thấy - việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng đã và đang tạo động lực cho ngành nông nghiệp của địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ. Đến nay giá trị thu nhập bình quân hàng năm mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Cư M'gar đạt 100 triệu đồng, tăng 27 triệu đồng so với năm 2015. Vì vậy đời sống của người dân ở khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt 46 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn khoảng 3,8% so với tổng số hộ trên địa bàn./.
-S.Pa-