Chủ nhật, ngày 23 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 23/06/2022

Những hệ lụy từ cơn “sốt” đất tại địa bàn xã Cư Suê

Thời gian qua xã Cư Suê là một trong những điểm nóng của huyện Čư M'gar về tình trạng buôn bán, sang nhượng đất đai. Sau khoảng 02 năm diễn ra nhộn nhịp, đến nay cơn "sốt" ở xã Cư Suê đã tạm lắng xuống nhưng đã để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề, lâu dài. Đó là việc nhiều gia đình phát hiện mình bị mất hết thổ cư sau khi bán một phần đất và giao hồ sơ cho người mua tự đi làm thủ tục tách thửa, sang tên. Thậm chí nhiều gia đình không rõ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình hiện đang ở đâu, thửa đất có còn đứng tên mình nữa hay không?

Bà H Ngok Êban, Bí thư  Chi bộ buôn Sút M'đưng đưa ra các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất photocopy 

của người dân sau quá trình bán đất để kiểm tra

Gia đình bà H'Bluên Niê ở buôn Sút H'luốt (xã Cư Suê) có 03 sào đất, trong đó có 400 m2 đất thổ cư, trên phần đất này gia đình bà đã xây 01 ngôi nhà ở cấp IV. Cách đây hơn 01 năm (thời điểm giá đất trên địa bàn tăng cao), gia đình bà H'Bluên Niê đã bán đi một phần đất để trả nợ và trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Khi người mua hợp đồng đặt cọc, hai bên thỏa thuận bà H'Bluên Niêbán một sào (1.000 m2) đất với giá 590 triệu, trong đó có 240 m2 đất thổ cư và 760 m2 đất trồng cây lâu năm. Do thiếu hiểu biết về pháp luật, nên bà H'Bluên Niê đã giao các giấy tờ có liên quan cho người mua đi thực hiện các thủ tục tách thửa và sang tên. Tuy nhiên sau khi tách thửa xong, người mua trả lại giấy chứng nhận quyền sử đất cho gia đình thì bà phát hiện không còn đất thổ cư đối với ngôi nhà hiện gia đình bà đang sinh sống. Bức xúc bà H'Bluên Niê yêu cầu người mua phải hoàn trả lại phần thổ cư 160 m2 cho gia đình bà như đã thỏa thuận ban đầu. Bà H'Bluên Niê ở buôn Sút H'luốt (xã Cư Suê) cho biết: Khi người mua trả lại bìa đỏ cho mình thì mình thấy không còn đất thổ cư như bìa cũ nữa. Mình nói mình không lấy đâu, họ nói nếu không có đất thổ cư thì lấy tiền, mình nói không lấy tiền, mình muốn lấy lại đất thổ cư theo bìa củ thôi.

Cũng như bà H'Bluên Niê, gia đình ông YDjun Niê ở buôn Sút M'đưng cũng đã mất toàn bộ đất thổ cư khi bán đi một phần đất hiện có của gia đình. Ông YDjun Niê cho biết: Gia đình có 2,4 sào đất, trong đó có 400 m2 đất thổ cư. Trên diện tích này gia đình ông đã xây dựng được 03 ngôi nhà ở khang trang cho vợ chồng ông và con cháu sinh sống. Khi giá đất lên cao, cuối năm 2020 ông đã bán 1,4 sào đất của gia đình với trị giá gần 01 tỷ đồng, trong đó có 200 m2 đất thổ cư. Do tuổi cao, sức khỏe không tốt và ít hiểu biết, nên ông YDjun Niê đã giao toàn bộ các giấy tờ cho người mua đi thực hiện các thủ tục tách thửa và sang tên. Nhưng sau khi nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình phát hiện toàn bộ 400 m2 đất thổ cư của gia đình đã thuộc về người mua. Dù rất bứcc xúc và không đồng tình nhưng ông YDjun Niê cũng không biết phải làm sao. Ông YDjun Niê ở buôn Sút M'đưng (xã Cư Suê) nói: Gia đình đông con, khó khăn nên mình bán một phần đất để lo cho cuộc sống, lo tiền chữa bệnh cũng như an dưỡng tuổi già. Phần đất tôi bán là phía đằng sau nhà này chứ không phải là phần đất đang xây nhà ở đây. Nhưng sau khi xong các thủ tục giấy tờ mới biết là gia đình đã bị người ta lừa sang hết đất thổ cư rồi.

Gặp và trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết: Vài năm gầy đây, thị trường đất đai trên địa bàn xã có nhiều biến động, giá đất tăng "chóng mặt". Không thể phủ nhận, nhờ giá đất tăng cao, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã quyết định bán đi một phần đất, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số để có điều kiện trả nợ, có vốn đầu tư trang trải cuộc sống, hoặc đầu tư mua đất nơi khác để canh tác. Với tâm lý này nhiều đối tượng đã lợi dụng sự sôi động của thị trường bất động sản để tiến hành những thủ đoạn lừa gạt, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, mù chữ cũng như sự thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào để lừa lấy toàn bộ đất thổ cư trong quá trình buôn bán, sang nhượng đất đai. Ở xã Cư Suê từ những năm 1994, 1995, địa phương đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân. Mỗi hộ gia đình được cấp 400 m2 đất ở nông thôn. Hồi đó không có sơ đồ vị trí, nên đất thổ cư được cấp luôn trong tổng diện tích đất, và đây chính là kẽ hở để những người chuyên mua bán đất mà chúng ta quen gọi là "cò đất" dễ dàng tách toàn bộ đất ở sang hồ sơ mới. Thực tế địa bàn xã Cư Suê có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sau khi bán đất thì đã bị mất hoàn toàn đất thổ cư, những ngôi nhà hiện gia đình đang ở không có đất thổ cư theo đúng quy định. Hiện nay xã Cư Suê yêu cầu các thôn, buôn tiến hành rà soát, photocopy tất cả các giấy tờ đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ dân có buôn bán đất để chính quyền xã tổng hợp, báo cáo UBND huyện có hướng chỉ đạo xử lý. Ông Đặng Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết thêm: Hiện nay UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ đi điều tra thu thập dữ liệu thông tin về công tác quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng. Nếu trường hợp nào đã lỡ sang toàn bộ đất thổ cư cho người khác lúc bán mà bây giờ không còn đất thổ cư thì buộc cá nhân anh phải chuyển đổi sang đất ở, nộp thuế cho Nhà nước. Bởi vì phần đất nhà nước cấp không thu tiền trước đây anh đã bán hết thì buộc anh phải chuyển đổi lại đất để đảm bảo theo đúng quy định, để không vi phạm Luật Xây dựng.

Liên quan về vấn đề này, ông Nguyễn Công Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện Čư M'gar cho biết: Hiện nay huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp, báo cáo, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ xem có dấu hiệu lừa đảo hay không. Về phía các cơ quan chức năng, nếu có sai phạm, tiêu cực hay tiếp tay cho việc tách hết đất thổ cư của đồng bào huyện sẽ xử lý hoặc báo cáo cơ quan cấp trên tiến hành xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật. Ông Nguyễn Công Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cơ quan an ninh cũng như UBND các xã, thị trấn nắm bắt tình hình thực tế đang diễn ra tại cơ sở, xác minh rõ ràng, cụ thể từng trường hợp, từng vụ việc. Trên cơ sở đó báo cáo về UBND huyện xem xét, chỉ  đạo để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay cơn "sốt" đất ở xã Cư Suê đã hạ nhiệt nhưng đã để lại nhiều hệ lụy cho địa phương về thực hiện các chương trình an sinh xã hội, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống của nhân dân. Hiện nay xã Cư Suê tiếp tục đẩy mạnh ông tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến đất  đai phải nhờ người có hiểu biết để tư vấn, hoặc thông tin đến chính quyền địa phương để được hỗ trợ, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra./.

 

H'Xiu Êban

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang