Những nông dân làm kinh tế giỏi ở xã Quảng Hiệp
Dưới ánh sáng Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, thời gian qua phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Quảng Hiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, tác động tích cực đến đời sống của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nông dân cần cù, chịu khó, năng động, nhanh nhạy trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Thân Văn Việt ( ở giữa) giới thiệu về mô hình nuôi lợn của gia đình.
Đến thăm gia đình anh Thân Văn Việt ở thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp) là một trong những hộ tiên phong nuôi lợn rừng lai ở địa phương được anh cho biết: Hiện nay gia đình anh đang duy trì nuôi hơn 70 con lợn, trong đó có 50 con lợn rừng lai và hơn 20 con lợn Móng Cái. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tìm hiểu thực tế ở nhiều địa phương, anh Việt thấy mô hình nuôi lợn rừng lai mang lai hiệu quả kinh tế và đã giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu, trong khi đó điều kiện gia đình anh có đất đai rộng, phù hợp cho việc trồng nhiều loại hoa màu để nuôi lợn. Vì vậy năm 2012 anh đã quyết định đầu tư nuôi lợn rừng lai. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên khâu chọn giống gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là chưa am hiểu được đặc tính của lợn rừng lai, nên đàn lợn phát triển chậm. Không nản lòng, anh Việt đã chủ động tìm tòi, học hỏi khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, mạnh dạn thay đổi giống lợn rừng thuần chủng để làm giống ban đầu và thả thêm hàng chục con lợn Móng Cái để lai tạo đàn. Bên cạnh đó anh Việt còn chọn chăn nuôi lợn theo hướng bán thả rông để phù hợp với tập tính chạy nhảy, kiếm ăn gần giống với tự nhiên, nên đàn lợn của gia đình phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Vào thời điểm năm 2018, 2019, đàn lợn rừng lai của gia đình phát triển khoảng 150 con, trong đó có 14 lợn nái. Những năm gần đây bình quân hằng năm gia đình anh Việt bán xuất chuồng 02 lứa lợn rừng lai và lợn Móng Cái. Trong đó lợn rừng lai mỗi lứa xuất bán hơn 50 con, mỗi con có trọng lượng từ 35 đến 45kg, giá bán từ 120 đến 140.000đ/kg. Còn đối với lợn Móng Cái, mỗi lứa gia đình xuất bán hơn 20 con với trọng lượng bình quân 100 kg/con với giá bán khoảng 80.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình có thu nhập trên 400 triệu đồng mỗi năm. Anh Thân Văn Việt ở thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp) nói: Đầu ra rất dễ, giờ đang nuôi vừa phải thôi nên chưa đủ cung cấp cho thị trường. Chi phí đầu tư rất thấp, mỗi ngày 70 con lợn ăn hết 01 bao cám gạo trị giá 150.000đ. Lúc đầu mình mới chăn nuôi, chưa có kinh nghiệm lợn thường mắc bệnh phổi, không thở được và bị chết. Người ta chỉ dẫn, mình học hỏi tiêm vắc xin phòng ngừa cho lợn con và cho cả lợn mẹ. Lợn còn hay mắc bệnh tiêu chảy. Khi lợn con mới đẻ, mình thả rông nó ăn đất, ăn sỏi đá và ăn lá cây thì không bị đi ngoài. Nếu mình nhốt chuồng, nó không ăn sỏi đá, lá cây sẽ bị tiêu chảy. Cho nên theo kinh nghiệm, mỗi lần lợn con đẻ ra mình phải có lá cây, đập gạch đá cho nó ăn, hoặc thả rông trong vườn cho lợn kiếm ăn để kháng bệnh…
Tượng tự anh Bàn Sềnh Hoạng cũng ở thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm với mô hình trồng đa cây. Gia đình anh Hoạng có 03 ha cà phê trồng xen hồ tiêu và điều. Trên diện tích này, hằng năm gia đình anh thu được hơn 04 tấn cà phê; 1,5 tấn hồ tiêu và hơn 1,5 tấn hạt điều. Sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất gia đình thu lãi khoảng 350 triệu đồng. Anh Bàn Sềnh Hoạng ở thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp) cho biết: Điều kiện thời tiết và đất sỏi đá, nên trước đây gia đình chỉ trồng mỗi cây điều, hiệu quả kinh tế không cao. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, tham quan các mô hình sản xuất ở nhiều địa phương, anh đã mạnh dạn bỏ bớt các hàng điều để trồng xen cà phê, hồ tiêu dưới tán điều cho phù hợp. Khi có cây điều làm cây che bóng, gia đình anh tiết kiệm được nhiều chi phí trong việc tưới tiêu, cà phê, hồ tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ổn định. Đến nay năm 2022 anh còn đầu tư trồng xen thêm 60 cây sầu riêng để cải thiện thêm thu nhập cho gia đình trong thời gian tới. Anh Bàn Sềnh Hoạng ở thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp) vui vẻ nói: Mình trồng xen đa cây để tăng thêm thu nhập, giảm bớt chi phí về phân bón, nước tưới và công chăm sóc. Khi mình ứng dụng trồng cà phê dưới tán cây điều có nhiều thuận lợi. Mùa khô có độ che bóng nên chu kỳ tưới nước cho cà phê được kéo dài hơn, khoảng 25 ngày. Mình ứng dụng thế này thì có cuộc sống ăn nhàn hơn, thu nhập cao hơn, có điều kiện chăm lo cuộc sống cho gia đình tốt hơn.
Với những chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước trong việc động viên, hỗ trợ, khích lệ Nhân dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, cùng với đó là sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên của Nhân dân đã tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi như anh Việt, anh Hoạng ở xã Quảng Hiệp không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình, mà còn truyền cảm hứng, là động lực để nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện học tập và làm theo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển./.
H'Xiu ÊBan