Những tấm gương hộ gia đình làm kinh tế giỏi
Những năm qua đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện và nâng cao, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương hộ gia đình làm kinh tế giỏi.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Trị, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, năm 1985 bà Hoàng Thị Hường đã quyết định rời quê hương vào thôn 2 xã Cư Suê lập nghiệp. Năm 1989 bà lập gia đình rồi ra ở riêng, được bố mẹ chồng cho 03 sào đất canh tác. Tuy gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng vợ chồng bà Hường luôn cùng nhau quyết tâm vươn lên để có cuộc sống ngày càng ổn định, nuôi con cái ăn học nên người. Hai vợ chồng bà đã bươn chải đi làm thuê, làm mướn, buôn bán phế liệu và các loại trái cây. Sau nhiều năm tiết kiệm chi tiêu, gia đình bà Hường đã đầu tư mở rộng diện tích đất canh tác lên 1,5 ha, chủ yếu trồng cà phê xen hồ tiêu, đồng thời phát triển chăn nuôi. Đến năm 2019 gia đình bà Hường đầu tư trồng xen hơn 100 cây sầu riêng trong vườn cà phê thay thế cho những trụ hồ tiêu bị chết, đồng thời mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn của gia đình thành trang trại theo hình thức chăn nuôi hiện đại, tự động hóa với số lượng mỗi lứa khoảng 100 con. Bên cạnh đó gia đình còn kết hợp kinh doanh bán thức ăn chăn nuôi. Nhờ nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị hiếu, mạnh dạn áp dụng KHKT-công nghệ vào sản xuất nên thu nhập của gia đình bà Hường ngày càng cao. Bình quân 03 năm trở lại đây gia đình bà Hường có thu nhập ổn định từ trồng trọt, chăn nuôi từ 700 đến 800 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí đầu tư). Không những làm kinh tế giỏi, bà Hường còn tích cực hỗ trợ hội viên phụ nữ trên địa bàn về kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư thức ăn chăn nuôi không tính lãi để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình… Bà Hoàng Thị Hường ở thôn 2 xã Cư Suê tâm sự: Vợ chồng mình đồng lòng, chịu khó trong sản xuất và kinh doanh, quản lý và sử dụng đồng vốn hiệu quả để đầu tư, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo thực lực của gia đình. Trong vườn cà phê thì trồng xen canh thêm sầu riêng để cải thiện thu nhập. Hai năm gần đây mình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo công nghệ mới, kết hợp áp dụng KHKT-công nghệ trong sản xuất, học hỏi kinh nghiệm để làm theo cải thiện thu nhập…
Ông Y Nưh Byă chăm sóc các loại cây trồng trong vườn
Gia đình ông Y Nưh Byă ở buôn Cuôr Đăng A (xã Cuôr Đăng) cũng có cuộc sống ấm no từ thành quả trong lao động sản xuất. Ông Y Nưh Byă cho biết: Sau khi chia đất cho con cái, hiện nay vợ chồng ông còn 1,5 ha đất canh tác. Trước đây cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Với sự tuyên truyền, vận động và định hướng của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, nhất là trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT-công nghệ vào sản xuất, ông Y Nưh Byă đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình. Khi nhận thấy vườn cà phê của gia đình được trồng từ năm 1995 đã già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp, năm 2015 ông đã mạnh dạn đầu tư tái canh toàn bộ vườn cây. Đồng thời ông còn đầu tư trồng xen hồ tiêu và sầu riêng kết hợp với chăn nuôi bò để có nguồn phân chuồng bón cho cây trồng. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm và chủ động áp dụng KHKT-công nghệ trong sản xuất nên kinh tế của gia đình phát triển theo từng năm. Trong vụ mùa vừa qua, gia đình ông đã thu về được 07 tấn sầu riêng, 02 tấn cà phê và 05 tạ hồ tiêu. Sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình thu lãi hơn 400 triệu đồng. Ông Y Nưh Byă ở buôn Cuôr Đăng A (xã Cuôr Đăng) nói: Trước đây cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn, mình cũng như đồng bào trong buôn chỉ biết trồng mỗi cây cà phê, nhưng bây giờ cuộc sống đã thay đổi và phát triển nhiều. Đó là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, chính quyền trong việc hỗ trợ vốn vay đầu tư, chuyển giao các tiến bộ KHKT-công nghệ trong việc trồng chăm sóc cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Hiện nay mình và đồng bào trong buôn đã biết trồng xen nhiều loại cây trồng trong vườn nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất và nâng cao thu nhập…
Không chỉ gia đình bà Hoàng Thị Hường ở xã Cư Suê và ông Y Nưh Byă ở xã Cuôr Đăng biết vươn lên trong phát triển kinh tế, mà hiện nay địa bàn huyện Čư M'gar còn có rất nhiều hộ gia đình đã vượt lên khó khăn, có thu nhập cao và ổn định. Dù mỗi người có tư duy cách làm kinh tế khác nhau phù hợp với hoàn cảnh, nhưng chung quy đó ý chí, nghị lực, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên vượt qua chính mình để làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển giàu đẹp và văn minh./.
H'Xiu ÊBan