Nông dân Ea Kpam đẩy mạnh sản xuất phân vi sinh từ các phế phụ phẩm trong nông nghiệp
Gia đình anh Nguyễn Văn Hồng ở thôn 6 xã Ea Kpam có 1,5 ha cà phê. Trước đây, sau khi thu hoạch và xay xát cà phê, vỏ cà phê được gia đình đốt đi, hoặc ủ trực tiếp vào gốc cà phê. Điều này không những làm cho cây cà phê bị nóng, mà còn là môi trường tốt để các để một số sinh vật có hại phát triển, gây bệnh cho cây cà phê.
Từ năm 2010 đến nay anh đã được Hội Nông dân xã hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ các phế phụ phẩm trong nông nghiệp như: vỏ cà phê, cây bắp, đậu, kết hợp với phân chuồng và men vi sinh để ủ phân. Lúc đầu do chưa nắm chắc khoa học kỹ thuật, cũng như quy trình sản xuất nên phân vi sinh chất lượng đạt không được tốt. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ Hội Nông dân xã, đồng thời tìm hiểu kỹ thuật qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng, nên những lần ủ phân sau đều thành công. Theo tính toán của anh Hồng với 1,5ha cà phê, hàng năm cho 2,5 tấn vỏ, nếu đem ủ phân vi sinh có thể cho hơn 10 m3 phân hữu cơ vi sinh. Trong khi đó, chi phí để đầu tư sản xuất 01 tấn vi sinh chỉ hết từ 600 đến 700 ngàn đồng, trong thời gian 03 tháng có thể đem bón cho cây trồng. Tính ra gia đình anh tiết kiệm được từ 30 đến 40% chi phí so với sử dụng phân hóa học. Bón phân vi sinh cho cây trồng còn làm tăng độ phì nhiêu của đất, làm đất tơi xốp, hạn chế xói mòn và rửa trôi các chất dinh dưỡng trong đất, làm sạch nguồn nước, giảm sâu bệnh, tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động.
Chúng tôi cũng đã đến thăm mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh của gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Tân Lập xã Ea Kpam. Chị Lan cho biết: mô hình sản xuất phân hữu cơ từ các phế phụ phẩm trong nông nghiệp đã được gia đình chị áp dụng nhiều năm nay. Trước đây với 01 ha cà phê, mỗi năm gia đình chị bón 4 đợt phân hóa học hóa học cũng hết từ 15 đến 20 triệu đồng. Từ khi được Hội Nông dân xã hướng dẫn sản xuất phân hữu cơ vi sinh đã giúp gia đình chị hàng năm giảm được khoảng 40% tiền chi phí nhờ bón phân hữu cơ vi sinh tự sản xuất được. Cây trồng đạt năng suất cao hơn khi sử dụng phân hóa học. Cũng theo lời chị Lan, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả cây trồng, giảm chi phí đầu tư sản xuất, tăng độ phì nhiêu của đất, thì việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh còn có tác dụng đặc biệt quan trọng về vấn đề bảo vệ môi trường. Trước đây với 01 ha cà phê, hàng năm gia đình chị thải ra môi trường một khối lượng lớn vỏ cà phê. Nhưng từ khi áp dụng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh thì đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Vỏ cà phê, cây bắp, vỏ đậu, phân heo, phân gà được thu gom để sản xuất phân vi sinh. Đến nay 100% số hộ trồng cà phê trong thôn Tân Lập đều tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kpam cho biết: toàn xã có 2.400 ha cà phê, với năng suất bình quân 03 tấn/ha, hàng năm thải ra môi trường khoảng 3.000 tấn vỏ. Để giúp nông dân tận dụng được nguồn phế phẩm này một cách hữu ích, năm 2008, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện và Trạm Khuyến nông huyện xây dựng được 2 mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ các phế phụ phẩm trong nông nghiệp ở thôn 6 và thôn Tân Lập, sau đó nhân rộng ra tất cả các thôn - buôn và được người dân tích cực tham gia hưởng ứng. Từ 02 mô hình này, đến nay hầu hết các hộ trồng cà phê trên địa bàn xã đều tận dụng nguồn phế phụ phẩm này để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, hàng năm tiết kiệm cho nông dân từ 05 đến 06 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kpam cũng cho biết: những năm qua việc nông dân lạm dụng phân hóa học đã làm ảnh hưởng lớn đến đất, khiến đất nhanh bạc màu, cằn cỗi. Vì vậy, để tạo thế cân bằng hệ vi sinh vật trong đất, cải tạo đất và giữ ổn định năng suất, chất lượng nông sản thông qua sử dụng chế phẩm vi sinh học, hướng đến một nền nông nghiệp xanh bền vững, thì việc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết. Hiện nay, Hội Nông dân xã đang tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên tích cực sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ các phế phụ phẩm trong nông nghiệp.
Việc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp không chỉ ở xã Ea Kpam mà đã được bà con nông dân trong huyện áp dụng hiệu quả từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, nhiều nơi trên địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa mặn mà với mô hình này. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ sở Hội Nông dân trong huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia thực hiện việc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để hướng tới một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững./.
Công phong