Nông dân huyện Čư M'gar chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp bền vững
Hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế để nâng cao thu nhập, những năm qua bà con nông dân trên địa bàn huyện đã tích cực áp dụng KHKT-công nghệ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Anh Trương Công Tuyển (phải) đang giới thiệu cho cán bộ Nông dân xã về mô hình trồng dứa của gia đình
Trước đây trên diện tích gần 01 ha đất của gia đình, anh Đặng Mằn Nàm ở thôn 5 xã Cư Suê chủ yếu trồng cây cà phê. Khi vườn cây già cỗi, năng suất thấp, giá cả thị trường lại bấp bênh, anh Nàm đã học hỏi và mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê già cỗi sang trồng cây sầu riêng. Anh Nàm đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng từ những người đi trước, học hỏi thông qua các buổi tập huấn do địa phương tổ chức…nên dần tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Nhờ đó vườn sầu riêng của gia đình anh Nàm luôn phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại, năng suất và sản lượng cao. Hiện nay vườn của anh Nàm có 130/140 cây sầu riêng đang trong chu kỳ kinh doanh, hằng năm gia đình anh thu được khoảng 17 tấn, thu lãi từ 400 đến 500 triệu đồng (tùy theo giá thị trường).
Còn anh Trương Công Tuyển ở thôn Hiệp Tiến (xã Quảng Hiệp) sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, năm 2019 anh đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích canh tác của gia đình sang trồng dứa. Và anh Tuyển là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở địa phương phát triển cây dứa theo hướng hàng hóa. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và áp dụng tốt các tiến bộ KHKT-công nghệ vào sản xuất nên vườn dứa của gia đình anh Tuyển phát triển nhanh, ít sâu bệnh gây hại, cho quả to và đều. Với khoảng 03 sào đất trồng dứa, bình quần hằng năm anh Tuyển thu được hơn 10.000 quả dứa với giá bán dao động từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc cũng mang về cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay gia đình anh Tuyển đã chủ động mở rộng diện tích trồng dứa lên khoảng 2,5 ha...
Việc chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp đã và đang được bà con nông dân trên địa bàn huyện thực hiện từ những năm trước. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn thay đổi tư duy truyền thống, chuyển đổi từ trồng cây ngắn ngày sang các loại cây trồng như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả (sầu riêng, ổi, lê, bưởi da xanh, mít, dừa xiêm, chanh tứ quý), chủ động liên kết xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với thực tế và tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao trên thị trường. Để phát triển bền vững, mang lại nguồn thu ổn định, các hộ gia đình đã tích cực tham gia mã vùng sản phẩm, liên kết thành lập các tổ, nhóm, hợp tác sản xuất. Đặc biệt có nhiều sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã và đang góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Hiện nay thu nhập bình quân 01 ha đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Čư M'gar có thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm. Vì vậy đời sống của người dân ở khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương./.
-S.Pa-