Thứ bảy, ngày 22 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 07/03/2018

Nông dân huyện Cư M'gar kém vui vì hồ tiêu “mất mùa, mất giá”

Hiện nay nhân dân trên địa bàn huyện Cư M'gar đang tích cực thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2017-2018. Khác với không khí thu hoạch của những năm trước, người trồng hồ tiêu ở huyện Cư M'gar năm nay rất buồn và lo lắng khi hồ tiêu bị mất mùa và giá cả bị giảm sâu.

Gia đình anh Lý Ái Duy ở thôn Bình Mình xã Cư Suê có 04 ha đất trồng cà phê xen trên 1.000 trụ tiêu giống Vĩnh Linh. Trong đó có gần 800 trụ hồ tiêu được trồng từ năm 2003 và số còn lại được trồng từ năm 2015. Những năm trước, bình quân mỗi năm vườn hồ tiêu của gia đình anh Duy luôn đạt gần 03 tấn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, đặc biệt năm 2015, 2016 giá hồ tiêu ở mức cao gia đình anh có nguồn thu nhập trên 01 tỷ đồng. Năm nay không chỉ riêng gia đình anh Duy, mà nhiều hộ gia đình khác ở thôn Bình Minh xã Cư Suê đều lâm vào cảnh mất mùa do ảnh hưởng thời tiết, trong khi đó giá cả hồ tiêu bị giảm sâu, nên ai cũng buồn và chán nản. Mọi năm, gia đình anh Duy thuê nhân công về để thu hoạch, năm nay tuy hồ tiêu đã chín đỏ, anh cùng với vài thành viên trong gia đình phải tự hái, không thuê nhân công (vì giá nhân công cao). Tới thời điểm hiện nay, anh Duy đã thu hoạch đạt khoảng 50% diện tích, ước tính tổng sản lượng chỉ đạt khoảng 1,5 tấn (giảm một nửa so với những năm trước).

Gia đình ông Ama H'Em ở buôn Sút H'Luốt thì còn buồn hơn rất nhiều vì hồ tiêu của gia đình ông bị chết hàng loạt. Năm 2015 giá hồ tiêu trên thị trường tăng cao, gia đình Ama H'Em đã đầu tư trồng xen khoảng 1.000 trụ hồ tiêu giống Vĩnh Linh trong vườn cà phê. Vụ hồ tiêu năm ngoái, gia đình Ama H'Em thu bói được trên 05 tạ và dự kiến năm nay sẽ giảm đi rất nhiều. Do thời tiết diễn biến thất thường, vườn hồ tiêu của gia đình ông bị bệnh và đã có trên 60 trụ hồ tiêu bị chết, mặc dù gia đình đã sử dụng nhiều biện pháp để cứu chữa nhưng không hiệu quả. Cùng với đó, giá hồ tiêu trên thị trường giảm mạnh đã làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình. Ama H'Em tâm sự: Gia đình ông còn may mắn hơn nhiều gia đình khác trong buôn do không mất chi phí đầu tư mua giống và trụ do nhà tự ươm giống và trồng trên sống, nên chỉ tốn công chăm sóc, phân bón.

Hiện nay xã Cư Suê là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn của huyện Cư M'gar với 45 ha hồ tiêu trồng thuần và khoảng 2.000 ha trồng xen quy thuần. Năm nay, việc thu hoạch hồ tiêu của nhân dân không được rầm rộ như những năm trước đây, không còn cảnh "khát" nhân công trong thu hoạch hồ tiêu do "mất mùa, mất giá", thay vào đó là các hộ trồng hồ tiêu tự thu hái. Bà Phạm Thị Thu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Suê cho biết: Không riêng gì xã Cư Suê, hầu hết các địa phương khác trong huyện cây hồ tiêu đều bị mất mùa. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến thất thường, người nông dân không phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, mà chỉ chạy theo lợi nhuận, sử dụng giống tiêu không rõ nguồn gốc hoặc đã bị nhiễm bệnh. Cùng với đó là việc ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học nhiều với mong muốn đạt năng xuất cao. Vì vậy cây hồ tiêu không đảm bảo được chất dinh dưỡng, bị kiệt quệ, bị nhiễm bệnh dẫn đến chết nhanh, chất chậm.

Trước tình hình cây hồ tiêu bị "mất mùa, mất giá" như hiện nay, nhiều diện tích cây hồ tiêu đang bị bệnh dẫn đến chết nhanh, chất chậm, người nông dân trên địa bàn huyện Cư M'gar cần tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng"cung cầu", cải tạo đất, tập huấn nâng cao trình độ canh tác, áp dụng đúng các nguyên tắc trong việc chăm sóc, bón phân cho cây hồ tiêu theo quy trình bền vững. Đặc biệt không nên ồ ạt phát triển cây hồ tiêu theo số lượng mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng mô hình kinh tế đa dạng để đảm bảo nguồn thu nhập, tránh sự rủi ro trong quá trình sản xuất.

Không chỉ riêng cây hồ tiêu "mất mùa, mất giá", mà bài học này cũng đã từng xảy ra trên nhiều cây trồng khác như: Cây điều, cà phê, chanh dây. Nếu người nông dân cứ ồ ạt phát triển các loại cây trồng, chạy theo số lượng, giá cả, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng thì sự rủi ro trong sản xuất là khá lớn. Vì vậy, ngoài sự năng động của người nông dân, ngành nông nghiệp huyện Cư M'gar cần có những giải pháp, định hướng quy hoạch thích hợp để phát triển các diện tích cây trồng theo hướng bền vững, ổn định, thân thiện với môi trường, đặc biệt có các chính sách hỗ trợ người nông dân triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững./.

H Xiu

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang