Thứ tư, ngày 30 tháng 04 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 09/12/2016

Nông dân huyện Cư M’gar đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong sản xuất

Thời gian qua, công tác chuyển giao KHKT, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ KHKT phù hợp với thực tiễn trong sản xuất luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó đã giúp cho nông dân tiếp cận với các quy trình sản xuất tiên tiến, từng bước nâng cao thu nhập kinh tế gia đình.

Theo giới thiệu của Hội Nông dân xã Ea Kpam, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình anh Nguyễn Văn Đạt ở thôn Tân Lập xã Ea Kpam. Sau nhiều năm làm nông nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năm 2010, xã Ea Kpam có chủ trương chuyển đổi vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tập trung, anh Đạt đã đăng ký tham gia. Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, anh Đạt được đi học lớp chăn nuôi thủy sản và tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều mô hình chăn nuôi trong tỉnh. Nhờ áp dụng các phương pháp chăn nuôi tiên tiến, nên việc nuôi trồng thủy sản của gia đình anh gặp nhiều thuận lợi. Hiện nay, gia đình anh Đạt đã có trên 02 sào mặt nước nuôi trồng thủy sản, trung bình mỗi năm, các ao cá của gia đình anh cho doanh thu gần 100 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 02 lao động với mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trương Công Thiện - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Kpam cho biết: Đến nay xã Ea Kpam đã chuyển đổi được 40ha/70ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Xã đã giới thiệu một số giống có năng suất cao cho nhân dân đưa vào nuôi, đồng thời làm tốt công tác chuyển giao các tiến bộ KHKT cho người dân áp dụng sản xuất...

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Hiệp Hòa xã Quảng hiệp được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT trong trồng trọt do Hội Nông dân xã tổ chức, nên năm 2010 gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi trồng xen hồ tiêu trong diện tích cây điều kém hiệu quả. Theo lời chị Thanh, với 3,2 ha hồ tiên trồng xen trong vườn điều, bình quân mỗi năm gia đình chị thu lãi ròng trên 1,2 tỷ đồng. Năm 2014, gia đình chị còn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ chịu khó học tập kinh nghiệm chăn nuôi và mạnh dạn đầu tư, hiện nay trang trại gia đình chị Thanh có 20 con bò sinh sản kết hợp với trồng cây điều, cà phê, hồ tiêu. Hàng năm gia đình chị thu từ 03 đến 3,5 tấn hồ tiêu; 04 tấn cà phê và 01 tấn điều. Chị Nguyễn Thị Thanh  phấn khởi cho biết: Nhờ Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn và kỹ thuật nên việc trồng trọt và chăn nuôi của gia đình gặp nhiều thuận lợi, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tập - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hiệp cho biết: Trong thời gian qua, Hội Nông dân xã đã tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ KHKT cho nông dân áp dụng sản xuất và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Đăng Lân - Thường trực Hội Nông dân Huyện Cư M'gar cũng cho biết: Hàng năm, tổ chức Hội từ huyện đến cơ sở đều có kế hoạch phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, hội thảo chuyển giao KHKT cho nông dân về trồng trọt, chăn nuôi. Hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu gương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh để khuyến khích, thu hút hội viên nông dân tích cực tham gia và ứng dụng các thành tựu KHKT-công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Cùng với đó là việc đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Được biết, từ năm 2011 đến nay huyện Cư M'gar đã tổ chức được 210 buổi hội thảo, tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT cho nhân dân về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật với 4.860 lượt người tham gia. Bên cạnh đó các cơ quan chuyên môn của huyện còn tổ chức 53 buổi hội thảo đầu bờ, với trên 4.000 lượt người tham gia. Đến nay, huyện Cư M'gar đã hình thành 01 liên minh sản xuất cà phê và nhiều nhóm hộ, câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững với diện tích trên 15.000 ha và đã có trên 9.000 hộ nông dân tham gia. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là các loại cây trồng ngắn ngày cũng được đặc biệt quan tâm, các mô hình trồng xen canh, tái canh, thâm canh phát triển mạnh, nên đã nâng cao giá trị sản xuất từ 57 triệu đồng/ha trong năm 2010 lên 73 triệu đồng/ha như hiện nay. Bên cạnh đó huyện Cư M'gar còn quan tâm phát triển kinh tế vùng như việc phát triển trồng hoa, rau sạch ở thị trấn Ea Pốk, xã Ea Mnang, xã Quảng Hiệp; vùng chăn nuôi như ở Ea Kiết, Ea Kuêh. Đồng thời, huyện Cư M'gar còn chủ động liên kết với các viện, các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Cũng trong thời gian qua, huyện Cư M'gar còn thường xuyên tổ chức cho cán bộ-hội viên nông dân đi tham quan học tập, kinh nghiệm các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh. Qua đó đã giúp cho người nông dân nâng cao nhận thức, tạo lập các mối liên kết, quảng bá sản phẩm, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ KHKT, lựa chọn đưa các loại cây-con giống cho năng suất, hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường./.

Công Phong

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang