Nông dân huyện CưM'gar mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất
Trong những năm qua, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân trên địa bàn huyện CưM'gar đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Gia đình ông Cao Xuân Tùng ở thôn Hiệp Tiến xã Quảng Hiệp là một trong những gia đình nông dân biết áp dụng tiến bộ khoa học vào việc trồng và chăm sóc vườn cây bằng mô hình ba tầng cho năng suất cao. Trao đổi với chúng tôi ông Tùng cho biết, năm 2007 ông đã vận dụng khoa học – kỹ thuật và quyết định đưa cây ca cao, cây gừng vào trồng xen trên diện tích 1,5ha điều của gia đình và 5 sào đất trồng cà phê xen hồ tiêu. Trong những năm qua, năng suất vườn điều của gia đình ông Tùng luôn đạt hơn 8 tạ/ha, ca cao đạt gần 2 tấn/ha và hơn 2.000 bầu gừng trồng xen đạt hơn 2 kg/bầu; 5 sào đất trồng cà phê xen hồ tiêu cũng cho thu hoạch 1,2 tấn tiêu và 2 tấn cà phê mỗi năm. Theo ông Tùng, gừng được trồng bằng cách trộn đất với lá ca cao, lá điều rụng, tất cả cho vào bao, ủ hoai rồi trồng. Khi thu gừng thì trả lại đất xốp bón cho cây điều và cây ca cao, vì vậy các loại cây trồng cùng được cộng hưởng nguồn dinh dưỡng. Nhờ cách trồng hỗn hợp này, năm 2015 gia đình ông Tùng thu về gần 400 triệu đồng sau khi đã trừ hết các khoản chi phí. Từ một hộ nghèo nhưng với sự siêng năng cần cù, đam mê học hỏi, đến nay gia đình ông Tùng đã khá giả. Ông Tùng cho biết, hiện nay cây điều đã ở thời kỳ lão hóa, gia đình đang trồng trụ sống để thay thế cây điều bằng cây hồ tiêu có giá trị kinh tế cao hơn.
Nhờ cần cù, chịu khó và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, nông dân Lê Đức ở thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến cũng đã trở thành triệu phú với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ cây hồ tiêu. Đưa chúng tôi đi thăm vườn tiêu đang thu hoạch, ông Đức phấn khởi cho biết: "Vườn tiêu này có diện tích 1 ha, tôi trồng từ 2000, năng suất rất cao. Mỗi năm đem lại cho gia đình tôi thu nhập hơn 400 triệu đồng". Năm 1990, ông Đức rời quê hương Thừa Thiên Huế vào Đắk Lắk lập nghiệp. Ban đầu ông làm nghề thợ mộc. Nhờ chí thú làm ăn nên gia đình có được ít vốn và mua đất để sản xuất. Năm 1996 ông mạnh dạn đầu tư mua hơn 2ha để trồng điều, cà phê. Tuy nhiên, thời điểm đó giá cây điều, cà phê không cao và hay mất mùa nên ông quyết định chuyển đổi hơn 1ha đất để trồng hồ tiêu. Sau thời gian chăm sóc, cây tiêu phát triển nhanh và cho năng suất cao. Hiện nay gia đình ông có hơn 2ha tiêu xen cà phê, trong đó có hơn 1ha đã cho thu hoạch, còn lại mới trồng. Đặc biệt, năm 2014 gia đình ông Đức còn bán dây tiêu giống cho thương lái được hơn 150 triệu đồng. Ông Đức cho biết, để thành công với cây tiêu, trước hết phải cần cù chịu khó, siêng năng trong lao động sản xuất. Hai là phải biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc tiêu có như thế cây tiêu mới cho năng suất cao. Theo ông Đức, chăm sóc cây tiêu phải rất kỹ tính vì cây tiêu rất hay bị bệnh. Muốn tiêu phát triển tốt trước hết phải chọn giống tốt, chất lượng, đồng thời thường xuyên thăm vườn để nắm rõ cây nào bị bệnh để có biện pháp xử lý. Khi cây tiêu đang chuẩn bị ra hoa nên sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng Atonik phun lên toàn bộ cây tiêu vào lúc sáng sớm để kích thích ra hoa đậu trái nhiều. Phân bón, chủ yếu là phân lân, NPK và thường xuyên tưới nước cho tiêu vào mùa nắng nóng để giúp cây phát triển tốt. Cây tiêu thường mắc các loại bệnh như thán thư, vàng lá, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm… nếu biết cách phòng, trị bệnh cây tiêu sẽ phát triển tốt. Ngoài ra cần bón phân hợp lý và mỗi tuần tưới nước một lần vào mùa khô để cây tiêu đạt năng xuất cao./.
Công Phong - Đài TT CưM'gar.