Nông dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Không chỉ cần cù chịu khó trong lao động, ngày nay, người nông dân trên địa bàn huyện còn biết chủ động ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giảm thiểu sự phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, bớt chi phí sản xuất mà hiệu quả kinh tế luôn đạt cao.
Đến thăm mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc ở thôn Tân Tiến thị trấn Ea Pốk, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Với khuôn viên 6 sào đất vườn, anh Ngọc đã đầu tư hệ thống nhà lưới khép kín cao 2,5m, bên trong là những luống rau xanh tốt được chia thành từng lô nhỏ có hệ thống ống dẫn tưới nước phun sương tự động. Anh Ngọc cho biết, trước đây anh chỉ trồng 2 sào rau màu theo hình thức truyền thống, bón phân chuồng, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất rau vẫn kém. Năm 2012, anh tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới do chính quyền địa phương tổ chức và tham gia vào hợp tác xã sản xuất rau an toàn Toàn Thịnh. Từ đó anh đã mạnh dạn ứng dụng tại vườn nhà với tổng kinh phí đầu tư ban đầu trên 200 triệu đồng. Việc trồng rau trong nhà lưới đã ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, không ô nhiễm môi trường, sản phẩm rau lại an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, sản lượng cao hơn 5 - 10%. Không những thế, ưu điểm của mô hình này là có thể tăng được số vòng quay thời vụ cho rau từ 5 vụ mỗi năm lên 10 vụ mỗi năm. Với mô hình trồng rau này, mỗi năm gia đình anh Ngọc thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng.
Gia đình anh Phan Xuân Long ở thôn 6, xã Cư Suê nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên việc chăn nuôi gà đạt hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, gia đình anh nuôi khoảng 500 con gà nhốt chuồng và sử dụng hệ thống sưởi ấm (úm gà) bằng đèn điện, hoặc than tổ ong rất tốn kém, trong khi đó nhiệt phân bố trong chuồng không đều và sản sinh nhiều khói gây ô nhiễm môi trường. Năm 2013, anh Long tình cờ xem truyền hình dạy cách làm chuồng nuôi gà thông qua hệ thống sưởi bằng lò cải tiến. Anh đã mày mò ứng dụng thành công với việc sử dụng nguồn nhiên liệu đốt là các loại cây, cành cà phê, củi khô sẵn có trong vườn nhà. Anh Long cho biết, chuồng úm gà cải tiến là phương pháp hoàn toàn mới, vận dụng nguyên lý của "bếp Hoàng Cầm" với hệ thống dẫn nhiệt tỏa đều. Luồng nhiệt từ bầu đốt được dẫn theo các đường ống nhánh (xây bằng gạch) thiết kế ngầm dưới nền giúp cho chuồng luôn khô ráo, nhiệt độ được giữ ổn định. Khi muốn điều chỉnh giảm nhiệt độ chỉ cần dùng một tấm ván đậy cửa bầu đốt, nhiệt sẽ hạ theo yêu cầu, muốn tăng thì làm ngược lại. Theo anh Long, sử dụng phương pháp úm gà cải tiến đã giúp gia đình anh tiết kiệm được khoảng 2 - 3 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, lại không bị ô nhiễm môi trường bởi khói bụi; gà nuôi khá nhanh lớn, giảm đáng kể các bệnh về đường ruột, hô hấp thường gặp. Từ khi nuôi gà bằng hệ thống chuồng úm cải tiến, tỷ lệ gà chết bệnh đã giảm hẳn (từ 6 - 7% trước đây xuống còn khoảng 2%). Mỗi lứa gà nuôi trung bình khoảng 60 ngày, anh thực hiện hình thức nuôi kiểu kế lứa, mỗi chuồng anh nuôi 5.000 con, cứ chuồng này nuôi được 1 tháng thì bắt đầu nuôi lứa khác ở chuồng kia, vì vậy, tháng nào gia đình anh Long cũng đều có gà thịt xuất bán, lãi khoảng 70 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư M'gar cho biết, nhiều người nông dân đã biết chủ động tìm tòi, học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng một cách sáng tạo trong sản xuất. Từ đó đã từng bước thay đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất với quy mô trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hằng năm, các cấp Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở cũng không ngừng phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương làm cầu nối đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân thông qua các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất… giúp bà con từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Theo thống kê sơ bộ của Hội Nông dân huyện, từ đầu năm 2012 đến nay, toàn huyện đã có gần 9.000 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó phần lớn nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi là những nông dân chủ động ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương./.
Công Phong - Đài TT CưM'gar