Nông dân trồng rau ở thị trấn Ea Pôk gặp khó khăn
Vào thời điểm hiện nay, người trồng rau ở thị trấn Ea Pôk đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên giá rau năm nay xuống thấp, nhiều hộ trồng rau không bán được, khiến cho các hộ trồng rau gặp nhiều khó khăn.
Vườn Cà chua đang trong kỳ thu hoạch chính của Ông Khang không có người mua
Có mặt tại vườn rau củ quả của gia đình anh Lê Văn Khang ở tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Ea Pôk, chúng tôi mới cảm nhận hết được những khó khăn mà những hộ trồng rau ở nơi đây đang gặp phải. Tâm sự với chúng tôi anh Khang cho biết: gia đình có 4 sào đất chuyên trồng rau xanh. Gần 1 tháng trước gia đình có 2 sào đất trồng bầu, bí, mướp, cải dưa đang trong thời kỳ thu hoạch thì không bán được, đành bỏ hơn 3 tấn bầu, bí, mướp, cải dưa, ước tính thiệt hại hơn 20 triệu đồng. Hiện nay gia đình có gần 2 sào đất trồng cà chua đang trong kỳ thu hoạch chính. Song với giá giảm sâu như hiện nay thì thu nhập từ vụ cà chua năm nay khó bù được chi phí vốn, nhân công mà gia đình bỏ ra chứ chưa nói đến lãi. Hiện tại giá cà chua tại vườn chỉ 500 - 1.000 đồng/kg (trước đây 7.000 – 12.000 đồng/kg) mà lượng tiêu thụ cũng rất chậm. Dẫn chúng tôi đi thăm những luống cà chua đang trong thời kỳ thu hoạch, anh Khang nhẩm tính nếu giá cứ giảm sâu như hiện nay, cộng với sức tiêu thu chậm thì gia đình anh sẽ thất thu 10 tấn cà chua.
Nhìn ruộng rau gần 2 sào đã "quá lứa" nhưng không có người hỏi mua của ông Đậu Quốc Khánh chúng tôi không khỏi xót xa. Ông Khánh chia sẻ, gia đình ông trồng các loại rau quả như: bắp sú, xà lách… Những năm trước, thu nhập từ vườn rau khá ổn định; sản phẩm được các thương lái đến thu mua tận nhà. Tuy nhiên, kể từ thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, các loại rau quả giảm mạnh khiến gia đình ông gặp không ít khó khăn. Trước Tết, gia đình ông trồng gần 2 sào bắp sú đến khi thu hoạch thì giá bắp sú chỉ ở mức 2.000 – 3.000 đồng/kg (trước đây là 6.000 – 7.000 đồng/kg), mà lượng tiêu thụ cũng rất chậm. Đến nay, gia đình ông còn tồn hơn 3 tấn bắp sú chưa có người mua, thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Do chưa xuất bán được nên một số bắp sú đã bị hỏng, chỉ để gà ăn
Theo nhiều hộ trồng rau, nguyên nhân khiến giá rau rớt thê thảm là do thời tiết năm nay có nhiều thuận lợi để cây phát triển tốt. Hầu hết nhà vườn đều có tâm lý chuẩn bị rau bán vào dịp trước, trong và sau Tết nên rau khá dồi dào, khiến nguồn cung vượt xa cầu, đẩy giá rau lao dốc. Ngoài ra, một số hộ có xu hướng tự trồng rau để cung ứng thực phẩm cho gia đình dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm. Thêm vào đó, do dịch bệnh Covid-19 nên thương lái không thể xuất bán đi xa khiến giá rau dù giảm mạnh cũng không tiêu thụ được. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Duy Bình – Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố Tân Tiến cho biết, toàn tổ dân phố có 224 hộ, trong đó có 173 hộ trồng rau, với diện tích hơn 32 héc ta. Các hộ trồng rau đều rơi vào tình cảnh xót xa như hiện nay. Nhà ít thì 1 - 2 sào, có nhà 4 sào cũng đành phá bỏ đi. Một số hộ chẳng buồn thu hoạch, mặc kệ rau lên ngồng, cao ngang gối rồi héo khô ngay trên luống. Theo tính toán của Ban tự quản tổ dân phố thì trong vụ rau này trong thôn có hơn 300 tấn rau bị ế ẩm không có đầu ra, người dân nhổ bỏ để giữ màu cho đất.
Để hỗ trợ người dân, Hội Nông dân, Hội LHPN thị trấn đang phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc vận động, kêu gọi qua mạng xã hội để hội viên nông dân, phụ nữ và người dân tiêu thụ rau củ của địa phương, giúp người trồng rau vớt vát phần nào thu nhập./.
Công Phong 2.3.3