Nông dân xã Cư M'gar mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Trong những năm qua nông dân ở xã Cư M'gar đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định.
Cư M'gar là một xã thuần nông, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 1.834 hộ với 8.368 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70%. Những năm trước đây đời sống của nhân dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, trong những năm qua Hội Nông dân xã Cư M'gar đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đặc biệt trong đó chú trọng đến việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Chỉ tính riêng trong 5 năm (2011 - 2016) Hội Nông dân xã Cư M'gar đã phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các cơ quan chức năng tổ chức 160 cuộc hội thảo đầu bờ, đầu chuồng về kỹ thuật sản xuất cà phê, hồ tiêu bền vững, sản xuất ngô lai, lúa lai, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo siêu nạc, nuôi gà thả vườn … với sự tham gia của hơn 12 ngàn lượt hội viên nông dân. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn khuyến khích, động viên các hội viên và gia đình chuyển đổi ngành nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả vật nuôi, cây trồng. Nhiều chương trình liên kết 4 nhà về sản xuất cà phê, hồ tiêu, ngô, lúa được triển khai ở các thôn buôn. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hùng ở thôn 2 xã Cư M'gar cho biết: gia đình ông có gần 3ha đất, trước đây trồng cà phê, do không biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên năng xuất hàng năm không đạt bao nhiêu. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, hàng năm, ông được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hướng dẫn cách làm cành, bón phân cân đối, tưới nước đúng kỹ thuật, nên vườn cà phê của gia đình phát triển tốt. Gia đình ông cũng đã mạnh dạn phá bỏ những diện tích cà phê kém năng xuất để chuyển sang trồng hồ tiêu. Đến nay gia đình ông Hùng có 2,3ha cà phê kinh doanh, hàng năm cho sản lượng trên 10 tấn cà phê nhân, 5 sào tiêu trồng thuần và 1ha tiêu trồng xen trong vườn cà phê, mỗi năm cho sản lượng khoảng 3,8 tấn. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Hùng thu nhập trên 600 triệu đồng.
Gia đình ông Nguyễn Nhật Thái ở thôn 2 cũng có 2ha tiêu trồng xen cà phê. Từ sự hỗ trợ của hội Nông dân xã trong việc hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cà phê, hồ tiêu, nên vườn cà phê, hồ tiêu của gia đình ông Nguyễn Nhật Thái phát triển tốt. Vì vậy, mỗi năm trừ chi phí gia đình cũng thu nhập trên 500 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thái – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư M'gar cho biết: "Trong những năm qua, các hoạt động tập huấn, hỗ trợ, tư vấn cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... được Hội Nông dân xã phối hợp với các thôn, buôn triển khai sâu rộng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật nhất là việc tổ chức cho nông dân thăm quan thực tế để học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cà phê bền vững…". Hội Nông dân xã còn tín chấp cho hội viên mua phân bón trả chậm với trị giá hàng tỷ đồng; đứng ra tín chấp với Phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội huyện cho 389 lượt hội viên vay 5,9 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thái – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư M'gar cũng cho biết: "Hội Nông dân xã đang tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, giới thiệu các giống cây, con mới để người dân đưa vào sản xuất, giúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thoát nghèo một cách bền vững…" .
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của nhân dân đã có nhiều khởi sắc, hàng năm xã Cư M'gar đã giảm được 3% số hộ nghèo.
Công Phong