Nông dân xã Quảng Hiệp chủ động thực hiện luân canh cây trồng để nâng cao thu nhập
Nhờ chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ vào sản xuất, nên những năm qua, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích cach tác hoa màu của bà con nông dân ở xã Quảng Hiệp không ngừng được nâng lên. Kết quả này là sự đóng góp không nhỏ của việc chủ động áp dụng biện pháp luân canh cây trồng của người nông dân trên địa bàn.
Thôn Hiệp Thành hiện nay là một trong những địa phương chuyên canh rau xanh lớn nhất của xã Quảng Hiệp với diện tích khoảng 30 ha. Hầu hết các hộ trồng rau xanh tại đây đều chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ, thực hiện luân canh cây trồng và coi đây là việc làm cần thiết phải thực hiện hàng năm. Việc làm này đã giúp các hộ trồng rau thu được lợi nhuận cao hơn so với hình thức canh tác truyền thống. Cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn, từ năm 1997 đến nay, gia đình ông Hoàng Trương Phong ở thôn Hiệp Thành - xã Quảng Hiệp đã chọn rau xanh là cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ linh hoạt trong việc chuyển đổi cây trồng, nên nhiều năm nay gia đình ông đã trở thành hộ có kinh tế khá giả ở địa phương. Với 04 sào đất canh tác, hàng năm ông thực hiện luân canh cây trồng theo từng vụ, chủ yếu trồng các loại cây như: Ngô, đậu cô ve, đậu đũa, dưa leo, khổ qua, ớt… Từ việc luân canh các loại cây trồng này nên đất canh tác được cải tạo, có độ tơi xốp, hạn chế được các loại cỏ dại và các dịch bệnh tiềm ẩn trong đất, gây hại cho cây trồng.
Ông Phong cho biết: Bình quân mỗi năm gia đình ông thu được khoảng hơn chục tấn rau xanh các loại, tùy theo giá cả và sự biến động của thị trường, nhưng gia đình ông vẫn có nguồn thu nhập ổn định (sau khi trừ chi phí đầu tư) đạt gần 100 triệu đồng.
Theo thống kê, hiện nay bình quân mỗi vụ sản xuất bà con nông dân ở xã Quảng Hiệp gieo trồng được khoảng 1.200 đến 1.600 ha cây hoa màu các loại, trong đó diện tích cây ngô chiếm trên 1.000 ha. Thực tế cho thấy, việc luân canh cây trồng rất quan trọng, bởi sau một thời gian canh tác độ màu mỡ trong đất giảm đi rất nhiều. Mặc dù hàng năm người nông dân cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho đất bằng biện pháp bón phân, nhưng vẫn không thể bù đắp được, dẫn đến đất đai ngày càng trở nên chai cứng, độ tươi xốp giảm dần. Vì vậy việc thực hiện luân canh cây trồng là biện pháp giúp cải tạo và nâng cao độ phì nhiêu của đất, giảm mầm bệnh gây hại trong đất, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng các loại cây trồng.
Việc chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ để thực hiện luân canh cây trồng trên một diện tích đã mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân ở xã Quảng Hiệp nói riêng và trong toàn huyện nói chung. Và đây cũng là giải pháp để người nông dân đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp để canh tác bền vững cũng như xây dựng các vùng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao./.
S.Pa