Nuôi ốc nhồi (ốc bươu đen) thương phẩm, hướng phát triển kinh tế mới ở xã Quảng Hiệp
Tận dụng lợi thế về mặt nước, thời gian gần đây, cựu chiến binh Hàn Trần Tuấn Bảo ở thôn Hiệp Nhất (xã Quảng Hiệp) đã mạnh dạn đưa ốc nhồi (hay còn gọi là ốc bươu đen) vào nuôi thử nghiệm và bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Anh Bảo (phải) đang giới thiệu về mô hình nuôi ốc Bươu đen cho cán bộ Hội CCB xã Quảng Hiệp
Qua tìm hiểu, đầu năm 2021 anh Bảo đã mạnh dạn đầu tư mua 1.000 con ốc bố mẹ và 01 kg trứng ốc nhồi về nuôi thử nghiệm và anh là hộ đầu tiên thực hiện mô hình nuôi ốc nhồi ở địa phương. Từ việc chịu khó tìm hiểu tài liệu và quan sát, phát hiện những đặc tính của ốc để có phương pháp chăm sóc phù hợp, nên đàn ốc nhồi của gia đình anh sinh trưởng và phát triển khá tốt, tỷ lệ ốc sống đạt trên 90%. Sau 4,5 tháng nuôi, những con ốc giống của gia đình đã bắt đầu đẻ trứng và cho thu hoạch. Những con ốc to, khỏe mạnh, anh lựa chọn để tiếp tục nhân giống. Hiện anh Bảo đã mở rộng quy mô nuôi ốc nhồi lên 500 m2, được chia làm 08 ô nuôi, với số lượng lên đến hàng vạn con ốc bao gồm cả ốc giống và ốc thương phẩm. Được nuôi trong môi trường tự nhiên, thức ăn chủ yếu là rau cỏ, các vi sinh vật trong bùn non, không dùng đến các loại thức ăn công nghiệp nên ốc nhồi giữ được chất lượng vốn có, được thị trường ưu chuộng. Tùy thời điểm, giá bán ốc nhồi dao động 80.000 đồng/kg đối với ốc thịt, còn ốc bố mẹ, ốc giống có giá bán cao hơn. Hiện nay bình quân hằng tháng gia đình anh Bảo bán ốc có nguồn thu nhập ổn định 10 triệu/tháng (sau khi trừ chi phí đầu tư).
Theo anh Bảo, ốc nhồi (ốc bươu đen) là loài thuỷ sản dễ nuôi, phát triển nhanh, có sức đề kháng tốt, chi phí đầu tư thấp, ít công chăm sóc, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trong ao, hồ đất hoặc bể xi măng. Thịt ốc nhồi thơm và ngọt, đầu ra tương đối ổn định. Tuy ốc sống ở dưới bùn, nhưng lại là loài ưa sạch, chỉ sống trong môi trường nước sạch, người nuôi cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn nhưng cũng không cho ăn quá nhiều. Bởi chính những thức ăn thừa sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường nước khiến ốc bị chết, hoặc mắc bệnh. Đồng thời cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng nước vôi, men vi sinh định kỳ…
Hiện nay nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi trên thị trường khá lớn nhưng nguồn cung còn khá hạn chế. Vì vậy việc chuyển đổi các diện tích đất vùng trũng thấp, ẩm ướt kém hiệu quả sang nuôi ốc nhồi có thể là hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện để nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình./.
-S.Pa-