Ông Nguyễn Thạc Cảnh có thu nhập cao nhờ biết xen canh
Để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, trong những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cư M'gar đã chủ động đưa các loại cây ăn quả vào trồng xen trong vườn cà phê. Cách làm này không chỉ có tác dụng giữ ẩm, che nắng, chắn gió cho cây trồng mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Gia đình ông Nguyễn Thạc Cảnh ở thôn 3 xã Ea Kpam có trên 1,2 ha đất canh tác. Trên diện tích này, trước đây gia đình ông Cảnh chỉ trồng độc canh cây cà phê. Tuy nhiên, do đất đai bạc màu, giá cả nông sản những năm gần không ổn định, nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nhiều năm gia đình ông Cảnh thu vừa đủ chi, không có vốn tích lũy. Để nâng cao thu nhập cho gia đình, từ năm 2011 ông Cảnh đã mạnh dạn đưa cây sầu riêng vào trồng xen trong vườn cà phê. Đến nay, trên diện tích canh tác của gia đình, ông Cảnh đã trồng xen được hơn 200 cây sầu riêng giống Mon Thong. Đây là giống sầu riêng Thái Lan cho năng suất cao, thích nghi được với nhiều điều kiện khí hậu, cho trái vào khoảng năm thứ ba sau khi trồng. Cũng như nhiều hộ gia đình khác, khi mới đưa cây sầu riêng vào trồng, ông Cảnh cũng gặp không ít khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng, nên cây sầu riêng của gia đình ông Cảnh bị sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh do nhện đỏ gây ra. Không nản chí, ông Cảnh đã mang mẫu bệnh đến Viện khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên (Viện EaKmat) để tìm ra hướng xử lý phù hợp. Đồng thời, tìm đến những người đi trước để học hỏi kinh nghiệm và tìm đọc các tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật để thử nghiệm cho chính vườn cây của gia đình mình.
Đến nay, khi đã nắm rõ về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho cây sầu riêng, thì vườn cây của gia đình ông Cảnh luôn phát triển xanh tốt và năng suất cũng được nâng lên đáng kể. Hiện tại với hơn 200 cây sầu riêng trong giai đoạn kinh doanh, vừa qua gia đình ông Nguyễn Thạc Cảnh ở thôn 3 xã Ea Kpam thu được hơn 15 tấn, sau trừ chi phí đầu tư đã mang lại cho gia đình ông Cảnh trên 600 triệu đồng. Có thể thấy, đây là nguồn thu không nhỏ đối hơn 01 ha đất canh tác mà không phải người nông dân nào cũng có thể đạt được. Ngoài nguồn thu từ cây sầu riêng, tuy đã phá bỏ bớt một số diện tích cà phê để trồng xen cây sầu riêng, nhưng gia đình ông Cảnh vẫn thu được trên 01 tấn cà phê mỗi năm.
Đ/c Trương Công Thiện - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Kpam tham quan vườn sầu riêng gia đình ông Cảnh
Dẫn chúng tôi thăm mô hình kinh tế của gia đình, ông Cảnh – Chia sẻ: "Nhìn vậy chứ cây sầu riêng rất khó tính, để trồng được loại cây này gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là bị ảnh hưởng từ con nhện đỏ gây ra. Hai năm đầu, do chưa xác định được bệnh nên cây sầu riêng bị phá tả tơi luôn, nó làm cho lá bị úa và rụng, cây mà bị rụng lá thì không còn sức khỏe, không giữ được trái, có cây bị rụng không còn quả nào… Năm ngoái, gia đình bị rơi mất 50% sản lượng. Phải đến khi mang mẫu bệnh đến Viện Ea Kmat thì mới biết là do con nhện đỏ gây ra. Qua tham khảo từ các tài liệu thấy dầu khoáng của Hàn Quốc có thể chữa, tôi mua về xịt thì nó không chỉ diệt được con trưởng thành mà còn diệt được cả trứng. Nhờ vậy, năm nay năng suất sầu riêng được nâng lên đáng kể…"
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kpam cho biết: "Đưa các loại ăn quả vào trồng xen canh trong vườn cà phê để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác là một trong những cách làm được bà con trên địa bàn xã thực hiện từ nhiều năm trước đây, tuy nhiên chủ yếu là trồng bơ boot còn đối với cây sầu riêng thì chỉ mới đưa vào được vài năm. Nhiều hộ đã đưa vào trồng xen trong vườn cà phê và cho hiệu quả kinh tế tương đối cao, điển hình có hộ ông Nguyễn Thạc Cảnh. Năm nay, gia đình ông thu được khoảng 15 tấn, với giá cả thị trường hiện nay thì thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng, đây là mức thu nhập khá cao. Hội Nông dân xã đã tổ chức phổ biến cho các hội viên, nông dân đến thăm quan, học tập để nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình…".
Hiện nay, mô hình sầu riêng trồng xen trong cà phê của gia đình ông Nguyễn Thạc Cảnh ở thôn 3 xã Ea Kpam đã trở thành một trong những địa điểm được bà con nông dân trong và ngoài địa bàn huyện tìm đến để tham quan và học hỏi kinh nghiệm./.
S.Pa