Phụ nữ huyện Cư M'gar năng động trong phát triển kinh tế
Trong những năm qua nhiều hội viên phụ nữ ở huyện Cư M'gar đã chủ động tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy nhiều trường hợp đã nỗ lực vươn lên trở thành những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Sản xuất tinh bột nghệ giúp chị Trần Thị Kim Luyến (bài phải) có thu nhập khá
Nhận thấy thị trường tinh bột nghệ có nhiều tiềm năng, năm 2014 chị Trần Thị Kim Luyến ở thôn 4 xã Ea Tar đã bắt tay thử nghiệm làm tinh bột nghệ với quy mô nhỏ theo phương châm vừa làm vừa học hỏi. Ban đầu mô hình sản xuất tinh bột nghệ của chị Luyến gặp không ít những khó khăn nhất định. Do thiếu kinh nghiệm nên mẻ tinh bột nghệ đầu tiên của gia đình chị Luyến chất lượng đạt không cao, khiến gia đình bị thua lỗ nặng. Không nản chí, nhiều lần làm đi làm lại, học hỏi và rút kinh nghiệm, một năm sau chị Luyến đã cho ra lò sản phẩm tinh bột nghệ với chất lượng như ý. Khi đã làm ra được sản phẩm ưng ý, chị Trần Thị Kim Luyến ở thôn 4 xã Ea Tar đã mạnh dạn đầu tư máy móc, xây dựng cơ sở sản xuất tinh bột nghệ với quy mô lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong khâu sản xuất chị Luyến luôn chú trọng đến chất lượng, nên sản phẩm làm không những được tiêu thụ ở các địa phương trong và ngoài huyện mà còn được xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội... Hiện nay bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của gia đình chị Luyến tiêu thụ từ 70 đến 80 tấn nghệ tươi và sản xuất được khoảng 02 tấn tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ trắng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nhân công gia đình chị Luyến thu lãi hàng trăm triệu đồng, đồng thời tạo việc làm với thu nhập thường xuyên cho 04 lao động ở địa phương…
Còn chị Lý Thị Thanh ở buôn Ea Tar (xã Ea Tar) lại chọn và xây dựng cho gia đình mình mô hình kinh tế tổng hợp. Là người năng động, nên khi vườn cà phê còn nhỏ chị đã bàn với chồng trồng xen thêm các loại cây hoa màu với phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Đến khi cà phê phân tán thì tiến hành trồng xen hồ tiêu, cây ăn quả, đồng thời chủ động thay thế những cây cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng những giống cà phê mới cho năng suất cao. Nhờ sự chủ động áp dụng KHKT-công nghệ vào sản xuất kết hợp phòng trừ sâu bệnh hợp lý, nên vườn cây của gia đình chị Thanh luôn phát triển xanh tốt, cho năng suất cao và ổn định. Hiện nay với diện tích 1,3 ha đất, gia đình chị Thanh trồng 05 sào cà phê, 1.500 trụ hồ tiêu, 30 cây sầu riêng đang trong chu kỳ kinh doanh, mỗi năm chị Thanh thu được 02 tấn cà phê, 05 tấn hồ tiêu và trên 04 tấn sầu riêng… Sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình chị Thanh thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng (tùy theo giá cả thị trường hàng năm). Từ lao động sản xuất, gia đình chị Lý Thị Thanh ở buôn Ea Tar (xã Ea Tar) đã có cuộc sống ngày càng khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện sản xuất và sinh hoạt đắt tiền, có điều kiện lo cho cao cái học hành. Đặc biệt gia đình chị là một trong ít hộ ở buôn Ea Tar (xã Ea Tar) mua sắm được xe ô tô phục vụ cho việc đi lại sinh hoạt của gia đình.
Đây chỉ là 02 trong số rất nhiều cán bộ-hội viên phụ nữ ở huyện Cư M'gar làm kinh tế giỏi. Để hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, hàng năm Hội LHPN huyện Cư M'gar đã chỉ đạo các cơ sở Hội trong huyện tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng hội viên, tìm hiểu nguyên nhân số gia đình hội viên thuộc diện hộ nghèo, nhất là những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Trên cơ sở đó có sự hỗ trợ, tư vấn và định hướng từ tổ chức Hội để hội viên lựa chọn và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Đồng thời huy động chị em xây dựng nguồn lực tại chỗ để giúp nhau bằng cách phát huy các mô hình tiết kiệm, phối hợp với các tổ chức tín dụng giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất-kinh doanh. Tính đến nay tổ chức Hội đã hướng dẫn thủ tục pháp lý, hỗ trợ hội viên vay vốn với dư nợ đạt hơn 109,7 tỷ đồng từ Phòng Giao dịch Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện, và trên 38,2 tỷ đồng từ Ngân hàng SeAbank (Chi nhánh thị trấn Quảng Phú) để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời vận động cán bộ-hội viên thành lập và duy trì được hơn 200 "tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm" ở các Chi hội với tổng số tiền đến nay đạt hơn 17,5 tỷ đồng để cho chị em vay xoay vòng với lãi suất thấp. Từ những hoạt động tình nghĩa thiết thực đó không những đã giúp cho nhiều gia đình hội viên thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên trở thành những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ở địa phương ./.
-S.Pa-