Phụ nữ xã Cư M'gar năng động trong phát triển kinh tế gia đình
Hưởng ứng phong trào "Phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" - thời gian qua, xã Cư M'gar đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương phụ nữ vượt qua khó khăn, nỗ lực, năng động trong lao động sản xuất và trở thành những điển hình trong "khởi nghiệp", phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Bà Nông Thị Rạy (áo hoa) đang giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình mình
Sau khi tham quan và tìm hiểu một số mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả trên địa bàn, năm 2013 bà Nông Thị Rạy ở thôn 5 (xã Cư M'gar) đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm hàng chục cây quýt đường và cam sành. Nhờ chịu khó nghiên cứu, học tập và tìm hiểu đặc tính của các loại cây, cùng với cách chăm sóc đúng kỹ thuật, nên chỉ sau hơn một năm vườn cây của gia đình bà Rạy bắt đầu cho quả. Thấy việc trồng quýt đường và cam sành cho thu nhập cao, đầu ra tương đối ổn định - bà Rạy đã bàn với gia đình đầu tư mở rộng quy mô vườn cây lên 3,5 sào với gần 430 cây quýt đường và cam sành, trong đó hiện có 280 cây đang cho thu hoạch. Hiện nay với giá bán dao động từ 12.000 đến 13.000đ/kg quýt đường và cam sành, sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình bà Rạo thu lãi khoảng 05 triệu đồng/tháng.
Còn chị Lục Thị Reo ở thôn 3 (xã Cư M'gar) lại thành công với mô hình trồng rau xanh. Ban đầu từ vài trăm mét vuông đất trồng rau xanh, đến nay gia đình chị Reo đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng rau xanh lên khoảng 4.000 m2, và hiện nay chị Reo là một trong những hộ có diện tích trồng rau xanh lớn nhất ở địa phương. Nhờ cần cù và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên vườn rau xanh của chị Reo luôn phát triển xanh tốt, cho năng suất cao. Hiện nay bình quân mỗi năm gia đình chị Reo xuất bán ra thị trường trên 20 tấn rau xanh các loại. Tùy vào giá cả từng thời điểm và sự biến động của thị trường đối với từng loại sản phẩm, sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình chị Reo thu lãi hằng năm gần 100 triệu đồng.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều gương phụ nữ điển hình tiêu biểu, năng động trong "khởi nghiệ" phát triển kinh tế gia đình ở xã Cư M'gar trong thời gian qua. Từ sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, chị em đã có sự đổi mới trong tư duy, chủ động tiếp cận các tiến bộ KHKT-công nghệ, biết sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt là việc khai thác hiệu quả thế mạnh sẵn có của gia đình và địa phương, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhiều hội viên phụ nữ, nhất là những hội viên trẻ còn khai thác hiệu quả các trang mạng xã hội Facebook, Zalo để kết nối, giao lưu trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình… Từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN xã Cư M'gar có thêm 31 mô hình "khởi nghiệp" sản xuất, kinh doanh do hội viên phụ nữ làm chủ có thu nhập từ 50 đến 250 triệu đồng mỗi năm. Trong đó có 15 mô hình có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng và 16 mô hình có thu nhập từ 70 đến 250 triệu đồng/năm. Không chỉ mang lại thu nhập cao và ổn định cho gia đình, nhiều mô hình còn tạo công ăn, việc làm, giúp hội viên nghèo vượt khó vươn lên trong xây dựng kinh tế gia đình…
Hiện nay Hội LHPN xã Cư M'gar có 1.496 hội viên tham gia sinh hoạt ở 12 Chi hội thôn, buôn. Đầu nhiệm kỳ số hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ 57%, đến nay đã giảm xuống chỉ còn 15%. Thông qua các mô hình "khởi nghiệp" phát triển kinh tế hiệu quả không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội, mà còn là nguồn động viên, khích lệ để hội viên, phụ nữ ở địa phương học tập và làm theo trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững ./.
-S.Pa-