Thanh niên xã Ea Kiết chủ động trong phong trào “lập thân lập nghiệp”, phát triển kinh tế gia đình
Thời gian gần đây, giá cả một số mặt hàng nông sản như cà phê, cao su, hồ tiêu trên thị trường liên tục bị sụt giảm, vì vậy việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao như những năm trước đây. Do đó nhiều thanh niên trên địa bàn xã Ea Kiết đã rời địa phương để đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong và ngoài địa bàn của tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có nhiều thanh niên đã chủ động tìm tòi, hỏi học và mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, vươn lên "lập thân lập nghiệp", phát triển kinh tế gia đình ngay tại địa phương và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình.
Đoàn xã Ea Kiết thăm quan mô hình nuôi dê của anh Lê Đình Mạnh Tùng tại thôn 9, xã Ea Kiết
Anh Lê Đình Mạnh Tùng (sinh năm 1994) ở thôn 9 xã Ea Kiết tâm sự: Trước đây ở địa phương, bản thân chủ yếu giúp bố mẹ chăm sóc 01 ha đất trồng cà phê xen hồ tiêu và điều. Tuy nhiên giá cả các mặt hàng nông sản ngày càng xuống thấp, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nên bản thân muốn xây dựng một mô hình gì đó để phụ giúp gia đình, cải thiện thu nhập. Nhận thấy nuôi dê nhốt chuồng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình và bản thân vẫn có thời gian phụ giúp bố mẹ chăm sóc vườn cây. Nghĩ là làm, nên anh Tùng đã quyết định chọn mô hình nuôi dê để "lập thân lập nghiệp". Tháng 03/2018 từ nguồn vốn hỗ trợ của gia đình anh Tùng đã mua 02 con dê cái sinh sản và 08 con dê đực thịt nuôi theo hình thức vỗ béo với số tiền 12 triệu đồng. Thực tế mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng của anh Tùng khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian công chăm sóc, thức ăn cho dê phong phú vì có sẵn trong tự nhiên, trong vườn cây của gia đình. Nên hàng ngày anh Tùng chỉ cần bỏ một ít thời gian chặt các loại lá cây về cho dê ăn. Dê là con vật có sức đề kháng khỏe, ít mắc bệnh, nhưng người chăn nuôi cũng phải tìm hiểu và chủ động tiêm phòng các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn dê. Đến nay đàn dê của anh Tùng phát triển ổn định với 22 con dê, trong đó có 10 con dê cái sinh sản, 01 con dê đực giống Bách thảo lai dê Boer. Riêng năm ngoái anh Tùng đã cho xuất chuồng gần 30 con dê thịt thương phẩm thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện nay anh Tùng cũng đang chuẩn bị chuyển đổi giống dê Bách Tháo lai Boer đang nuôi sang giống dê thuần Boer, vì giống dê Boer có thân hình cao to, nhanh lớn, đạt thịt hơn các giống dê truyền thống. Anh Lê Đình Mạnh Tùng cho biết: Dê thường bị ho, sổ mũi khi mùa mưa, trời lạnh, vì vậy cần tiêm phòng thuốc viêm phổi là được, thỉnh thoảng tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, nếu cần thiết tiêm thêm thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho dê. Chăn nuôi dê nhìn chung là dễ, thức ăn sẵn có các loại lá cây trong vườn, thời gian cũng rãnh rỗi, cứ chiều đi làm về tranh thủ đi chặt lá cho dê ăn là được, nếu có đất thì trồng thêm cỏ cho dê ăn. Xong mùa hồ tiêu này mình sẽ chuyển đổi sang nuôi dê giống Boer, vì đây là loài dê có sức đề kháng tốt, nhanh lớn, cao to, trọng lượng thịt đạt cao, lợi ích kinh tế nhiều hơn so với giống dê truyền thống ở địa phương.
Cũng như anh Lê Đình Mạnh Tùng, anh Phùng Chiến Công (sinh năm 1998) ở thôn 9 xã Ea Kiết cũng chọn mô hình nuôi dê để phát triển kinh tế cho bản thân được khoảng 02 năm nay. Anh Công cho biết: Ban đầu bản thân mua 04 con dê cái sinh sản giống Bách thảo lai Boer với số tiền 20 triệu đồng do gia đình hỗ trợ để về nuôi. Trong quá trình chăn nuôi thấy đàn dê phát triển rất tốt, ít bị bệnh, chi phí đầu tư thấp, nhanh hồi lại vốn. Hiện nay đàn dê của anh Công đã phát triển lên thành 40 con, trong đó có 10 con dê mẹ còn lại là dê thương phẩm. Năm ngoái anh Công đã cho xuất chuồng được 15 con dê thịt, mỗi con đạt trọng lượng từ 25 đến 30 kg cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Hiện nay anh Công vừa chăn nuôi dê vừa tích cực phụ giúp bố mẹ chăm sóc 07 sào đất trồng cà phê xen hồ tiêu. Anh Phùng Chiến Công ở thôn 9 xã Ea Kiết chia sẻ: Quá trình chăn nuôi dê cho thấy – dê là con vật nuôi có sức đề kháng cao, dễ chăm sóc, ít bệnh tật, chủ yếu là đau mắt hoặc bệnh chướng bụng nhưng cũng dễ chữa, còn những bệnh nặng thì ít khi gặp. Thức ăn của dê tương đối đa dạng và dồi dào, khỏe hơn là nuôi các vật nuôi khác, vốn đầu tư không cao như là nuôi bò hay heo. Mình đang tìm hiểu sắp tới chuyển qua nuôi giống dê Boer, để đạt thương phẩm thịt cao hơn, cải thiện kinh tế cho bản thân.
Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tiến - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ea Kiết cho biết: Những năm qua do giá cả các mặt hàng nông sản bấp bênh, việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều thanh niên ở địa phương đã phải đi làm ăn xa nhà. Bên cạnh đó cũng có nhiều thanh niên đã chủ động tìm tòi, hỏi học, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho chính bản thân và gia đình ngay tại địa phương. Nhằm đồng hành cùng thanh niên trên bước đường "lập thân lập nghiệp", thời gian qua Đoàn Thanh niên xã Ea Kiết đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho thanh niên, trong đó hỗ trợ cho các thanh niên tiếp cận nguồn vốn từ quỹ "Khởi nghiệp" của tổ chức Đoàn. Trên địa bàn xã hiện đã có 02 thanh niên được vay vốn từ quỹ "Khởi nghiệp" với tổng số tiền 40 triệu đồng để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi bò, trồng chanh dây và các loại cây ăn trái khác. Hiện Đoàn Thanh niên xã đang hướng dẫn hoàn tất thủ tục hỗ trợ cho 02 thanh niên khác trên địa bàn được vay vốn từ quỹ "Khởi nghiệp" để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó Đoàn Thanh niên xã cũng chủ động chuyển giao KHKT-công nghệ, tổ chức cho thanh niên tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả để áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình. Anh Nguyễn Văn Tiến - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ea Kiết cho biết thêm: Giá nông sản cà phê, hồ tiêu thời gian gần đây ở mức thấp, nên nhiều thanh niên ở địa phương phải đi làm ăn xa nhà. Trong khi đó có nhiều bạn đã mạnh dạng vươn lên trong bước đường lập thân lập nghiệp với các mô hình chăn nuôi dê, bò, trồng canh dây và đã mang lại hiểu quả kinh tế, đảm bảo đời sống cho bản thân và gia đình. Sắp tới Đoàn Thanh niên xã sẽ tổ chức cho đoàn viên-thanh niên trên địa bàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi, kinh tế đa cây, đa con để đoàn viên-thanh niên lập nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình mà không cần thiết phải đi làm ăn xa nhà.
Với việc chủ động vươn lên "lập thân lập nghiệp" phát triển kinh tế của nhiều thanh niên ở xã Ea Kiết trong thời gian qua đã tạo không khí thi đua lao động sản xuất trong thế hệ trẻ trên địa bàn. Nhiều tấm gương thanh niên đã chủ động thay đổi cách suy nghĩ, cách làm, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển ./.
H'Xiu Êban