THỦ ĐOẠN GIẢ MẠO SMS BRANDNAME NGÂN HÀNG ĐỂ LỪA ĐẢO XUẤT HIỆN TRỞ LẠI
Thủ đoạn giả mạo SMS Brandname của các ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dùng tuy không còn mới. Nhưng thời gian gần đây,chúng xuất hiện thường xuyên trở lại. Vậy SMS BRANDNAME là gì? mọi người cần cảnh giác và làm gì để không trở thành nạn nhân?
SMS Brandname là gì?
SMS Brandname là dịch vụ được cung cấp bởi nhà mạng cho các doanh nghiệp có nhu cầu gửi tin nhắn SMS tới khách hàng, với mục đích quảng cáo hoặc chăm sóc khách hàng. Khi dùng dịch vụ này, thông tin người gửi trong SMS với tên như: Mobifone, Viettel, ACB, Vietcombank… thay vì số điện thoại. Các tên bằng chữ cái được gọi là Brand Name.
Khi đăng ký SMS Brandname, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị hồ sơ gồm Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh/quyết định thành lập/Giấy chứng nhận bản quyền thương hiệu/quyết định cấp Văn bằng bảo hộ với nhãn hiệu/chứng nhận sở hữu trí tuệ hoặc tài liệu tương đương còn hiệu lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải chuẩn bị công văn đăng ký Brandnam theo mẫu của nhà mạng.
Tại sao tội phạm có thể gửi tin nhắn lừa đảo bằng SMS Brandname?
Quy trình đăng ký SMS Brandname khá phức tạp và mỗi SMS Brandname là duy nhất nên tội phạm mạng không thể nào đăng ký giả mạo được. Vậy chúng làm cách nào để gửi tin nhắn lừa đảo bằng SMS Brandname?
Câu trả lời chính là SMS Fake Sender ID.
Dịch vụ SMS Fake Sender ID không hề mới mẻ. Trước đây, tội phạm mạng đã từng sử dụng dịch vụ này để giả tin nhắn từ Apple nhằm chiếm đoạt tài khoản iCloud của người dùng. Để sử dụng SMS fake Sender ID, tội phạm mạng đã bỏ tiền thuê của những kẻ cung cấp dịch vụ này trong thế giới ngầm Darkweb.
Tội phạm giả mạo SMS Brandname để lừa đảo như thế nào?
Thời gian gần đây, người dân phản ánh việc giả mạo SMS Brandname các ngân hàng (Vietcombank, ACB,…) gửi về điện thoại với nội dung như“Ứng dụng Digibank được phát hiện kích hoạt trên thiết bị lạ” và gửi kèm với đó là một đường link yêu cầu đăng nhập vào để đổi thiết bị hoặc huỷ đi.
đây tuy không phải là thủ đoạn lừa đảo mới mẻ, nhưng nhiều người dùng vẫn trở thành nạn nhân của chúng. Điều làm người dùng dễ bị mắc lừa là chúng đã giả mạo đúng tên nhà mạng, nhiều người vì tâm lý lo sợ đã ngay lập tức click vào đường link của chúng, khi chuyển trình duyệt mới thì xuất hiện giao diện đăng nhập giống giao diện web chính chủ. Sau khi nhập Tên đăng nhập và Mật khẩu, nạn nhân bấm đăng nhập sẽ có tin nhắn gửi báo mã OTP về máy và việc sử dụng mã OTP vào thao tác tiếp theo sẽ bị trừ hết số tiền trong tài khoản.
Cần làm gì và cảnh giác ra sao với thủ đoạn giả mạo SMS Brandname?
Tuy tinh vi là vậy, nhưng nếu người dùng cẩn trọng trong các giao dịch thì sẽ thấy rằng DIGIBANK là APP (ứng dụng) trên điện thoại của VCB, hay các ngân hàng có các ứng dụng riêng, tại sao lại phải đi gửi link giao diện web? Link với tên miền của doanh nghiệp tuy nhiên lại có thêm những ký tự lạ như dạng như “vietcombank.vn-ms.top”…
Như vậy, bằng những tinh vi của loại tội phạm này, chúng có thể gửi tin nhắn SMS bằng bất kỳ Brandname nào.
Vậy nên, mọi người cần luôn cảnh giác và lưu ý những vấn đề sau để không trở thành nạn nhân của chúng:
1. Tuyệt đối KHÔNG truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc và KHÔNG điền thông tin thẻ vào các đường link được đính kèm sẵn trong email, tin nhắn SMS.
2. KHÔNG cung cấp cho bất kỳ ai, bất kỳ tình huống nào (kể cả cán bộ ngân hàng hay các cuộc gọi xử lý tra soát khiếu nại): Thông tin đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, mã PIN Soft Token, mã kích hoạt), và thông tin thẻ (mã CVV2 in tại mặt sau thẻ, mã PIN, mã OTP).
3. Tỉnh táo trước những nội dung liên quan tiền bạc mà chúng gửi tới bạn. Đừng hám lợi cũng như không quá lo sợ mà thực hiện theo mà trở thành nạn nhân.
4. Chỉ đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua website chính thức của ngân hàng đang sử dụng, có thể liên hệ với tổng đài ngân hàng để lấy thông tin trang chính thức.
5. Nên tham vấn ý kiến từ những người rành về CNTT xung quanh bạn.
6. Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực OTP, số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội và các trang web.
7. Mọi giao dịch liên quan tiền hay tài khoản số, bạn nên cài 2FA (xác thực 2 lớp). Hãy nhờ người thân cài đặt dùm nếu không rành.