Thường trực Huyện ủy làm việc với lãnh đạo, công chức, viên chức ngành văn hóa huyện về triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025)
Sáng ngày 13/01/2022 Thường trực Huyện ủy Čư M'gar đã tổ chức buổi gặp mặt, làm việc với lãnh đạo, công chức, viên chức ngành văn hóa huyện về triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025). Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Nguyễn Đình Viên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nay H'Nan – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, UBND huyện; lãnh đạo, công chức, viên chức Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thể thao, Đài truyền thanh huyện và công chức văn hóa ở các xã-thị trấn trên địa bàn huyện.
Bí thư huyện ủy Nguyễn Đình Viên - phát biểu chỉ đạo buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thể thao, Đài truyền thanh huyện đã báo cáo nhanh những thuận lợi khó khăn của đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, những năm qua hoạt động ngành văn hóa huyện Čư M'gar đã và đang đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Đến nay toàn huyện có trên 38.000 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 91,4%; có 148 khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa; có 94 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn danh hiệu văn hóa. Huyện Čư M'gar có 50/71 buôn đồng bào dân tộc có cồng chiêng, 560 nghệ nhân sử dụng cồng chiêng, có 05 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhận Ưu tú", có 25 đội chiêng trẻ, 232 bộ chiêng của các dân tộc, 135 chiêng trống, 128 ghế Kpan cùng hàng trăm thể loại nhạc cụ dân tộc khác. Cùng với đó công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm chú trọng. Tỷ lệ người dân tập luyện thể thao thường xuyên đạt 25%, tỷ lệ gia đình tập luyện thể dục thể thao đạt 18%. Hằng năm Đài Truyền thanh huyện Cư M'gar đã thực hiện tiếp phát sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam được 2.304h; tiếp sóng chương trình Đài PTTH Đắk Lắk được 384h; xây dựng và sản xuất được 428 chương trình phát thanh địa phương, trong đó có 288 chương trình phát thanh bằng tiếng phổ thông và 140 chương trình phát thanh tiếng ÊĐê phục vụ đồng bào dân tộc tại chỗ (các chương trình có thời lượng từ 15 phút trở lên). Đài Truyền thanh huyện còn phối hợp duy trì thực hiện các chuyên mục như: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Y tế và sức khỏe cộng đồng; An toàn giao thông; KHKT với nhà nông; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thông tin giải đáp chính sách pháp luật; Cải cách hành chính; Phòng cháy chữa cháy; Quốc phòng toàn dân. Qua đó động viên cổ vũ quần chúng nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, chủ động tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc…
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đã được đưa ra thảo luận sôi nổi, nêu lên nhưng thuận lợi và khó khăn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng; dệt thổ cẩm; kể khan; bảo vệ nhà dài ÊĐê; chất lượng phong trào thể dục thể thao; hoạt động nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, kinh tế số; hoạt động xúc tiến du lịch gắn với văn hóa bản địa; biên chế để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới…
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí đồng chí Nguyễn Đình Viên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện vui mừng và ghi nhận những kết quả ngành văn hóa huyện Čư M'gar đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời gợi mở nhiều vấn đề để ngành văn hóa huyện triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó tiếp tục huy động xã hội hóa các nguồn lực để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tiếp cận thông tin và phát triển cái mới trong văn hóa, chủ động chuyển tải thông tin của Đảng, Nhà nước đến với quần chúng nhân dân. Tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch gắn với văn hóa, sinh thái cộng đồng, phục dựng lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó phục vụ tốt xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, chủ động đấu tranh trên không gian mạng, chống âm mưu "diễn biến hóa bình" của các thể lực thù địch. Chú trọng phát triển thể thao, văn nghệ quần chúng, quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư cải tạo nâng cấp thiết chế văn hóa và hệ thống truyền thanh cơ sở…./.
Công Phong