Tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thông qua mạng xã hội
Những năm gần đây nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cư M'gar đã chủ động lựa chọn và khai thác mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ nông sản do chính mình làm ra và bước đầu đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ.
Anh Nguyễn Đức Thành (bìa trái) đang giới thiệu cho khách về sản phẩm vú sữa của gia đình
Năm nay dù chỉ mới 21 tuổi nhưng anh Nguyễn Đức Thành ở thôn Hiệp Hòa xã Quảng Hiệp hiện đang là một trong những nông dân tiêu biểu trong việc sử dụng mạng xã hội (Facebook) để giới thiệu, quảng bá bán các sản phẩm của mình. Hiện nay anh Thành đang xây dựng phát triển mô hình kinh tế tổng hợp trên diện tích 2,2 ha, trong đó có 2.000 m2 trồng hoa, 8.000 m2 ao cá và trên 1.200 cây ăn quả các loại gồm: dừa xiêm, ổi, lê, vú sữa, hồng xiêm, chanh tứ quý. Bên cạnh đó anh còn kết hợp kinh doanh thêm các loại giống cây ăn trái. Các sản phẩm làm ra, ngoài việc mang ra chợ để tiêu thụ hay gọi thương lái đến nhà để thu mua, anh Thành còn sử dụng mạng xã hội (Facebook) để đăng các thông tin về sản phẩm trái cây, cây giống của mình. Thông qua mạng xã hội, nhiều sản phẩm nông nghiệp của gia đình anh Thành đã tìm được đầu ra xuất bán đi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hàng năm anh Thành xuất bán ra thị trường từ 06 đến 07 tấn cá nước ngọt, trên 10 tấn ổi, gần 01 tấn dừa và hàng vạn cây giống các loại, trong đó có khoảng 60% cây giống và 50% trái cây được bán thong qua mạng xã hội Facebook. Bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc anh Thành thu lãi hơn 250 triệu đồng. Phần lớn khách hàng của anh Thành là bạn bè trên trang cá nhân, nhưng cũng có những khách hàng mới khi được chia sẻ vào các trang hội, nhóm trên mạng xã hội. Từ việc tìm hiểu và thấy quá trình trồng, chăm sóc, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng được đăng trên mạng xã hội nên nhiều khách hàng đã tin tưởng để mua…
Còn chị Trần Thị Thuyết ở thôn 1 xã Ea Kpam cũng khá thành công trong việc thu hút khách hàng đến với cơ sở kinh doanh của mình thông qua mạng xã hội. Trước đây cơ sở của chị ít người biết đến, nhưng từ ngày chị Thuyết chụp ảnh, quay clip về sản phẩm của gia đình mình rồi đăng trên trang Facebook cá nhân thì cơ sở của chị được nhiều người biết và tìm đến mua ngày càng nhiều. Dù là cơ sở kinh doanh nhỏ chỉ với diện tích vài chục m2 nhưng hiện nay bình quân mỗi tháng cơ sở của chị Trần Thị Thuyết ở thôn 1 xã Ea Kpam xuất bán ra thị trường khoảng 02 tạ gà và khoảng 01 tấn trái cây gồm sầu riêng, bơ, mít, trong đó có khoảng 30% sản phẩm được bán ra thông qua mạng xã hội Facebook. Chị Trần Thị Thuyết ở thôn 1 xã Ea Kpam vui vẻ cho biết: Từ khi đăng bán các sản phẩm trên Facebook cá nhân, hiệu quả mang lại rất tốt, số lượng khách hàng ngày càng gia tăng, không chỉ có khách hàng là người dân trên địa bàn xã mà còn thu hút cả những địa phương khác trong huyện, trong tỉnh, nhờ đó nguồn thu nhập của gia đình luôn được ổn định...
Mạng xã hội Facebook không những là công cụ để mọi người gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh ngiệm về kiến thức cuộc sống, mà hiện nay còn được khai thác để mua bán sản phẩm. Với sự năng động, nhạy bén trong việc khai thác mạng xã hội, nhiều người còn có sự đầu tư nâng cao chất lượng bài viết, hình ảnh, video, hay những lời giới thiệu để quảng bá sản phẩm của mình. Đặc biệt bà con nông dân trong huyện còn tham gia vào các hội nhóm để theo dõi và trao đổi thông tin tới các trang mạng liên quan về nông nghiệp, nông thôn tạo mối liên kết. Qua đó đã tạo cơ hội cho người sản xuất gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu, nhờ đó việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 ./.
-S.Pa-