Tín hiệu tích cực từ chương trình tái canh cà phê ở huyện Cư M’gar
Huyện Cư M'gar là địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh Đắk Lắk với khoảng hơn 37.800 ha, trong đó nhiều diện tích được trồng từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Diện tích già cỗi cùng với sự bạc màu của đất nên năng suất cà phê giảm, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy hiện nay người trồng cà phê trên địa bàn huyện đang chú trọng thực hiện chương trình tái canh cà phê do huyện triển khai và bước đầu đã đạt được những kết quả khá khả quan.
Anh Nguyễn Hạnh (phải) đang giới thiệu vườn cà phê tái canh của gia đình cho cán bộ Hội nông dân thị trấn Quảng Phú
Anh Nguyễn Hạnh ở tổ dân phố 4 thị trấn Quảng Phú có 6,5 sào cà phê trồng từ năm 1994. Do diện tích già cỗi, đất lại bạc màu nên bình quân hàng năm gia đình anh Hạnh chỉ thu được 1,5 tấn cà phê nhân. Anh Hạnh đã nhiều lần thay đổi biện pháp chăm sóc nhưng năng suất vườn cây vẫn không được cải thiện bao nhiêu. Năm 2016 được UBND huyện hỗ trợ cây giống từ chương trình tái canh cà phê, anh Hạnh đã mạnh dạn thực hiện tái canh với giống cà phê TR4, đây là giống cà phê có nhiều ưu điểm vượt trội, năng suất cao, chống chịu tốt với các loại sâu bệnh. Nhờ nắm vững kiến thức, quy trình kỹ thuật trong việc tái canh nên vườn cà phê của gia đình anh Hạnh sinh trưởng và phát triển tốt. Sau gần 03 năm thực hiện tái canh vườn cây, anh Hạnh đã thu bói với quả cà phê to, chín đều, vỏ mỏng, nhân dày và ít sâu bệnh với sản lượng được hơn 06 tạ cà phê nhân.
Thấy hiệu quả từ việc tái canh cà phê mang lại, cuối năm 2014 ông Trần Mậu Tuất ở thôn 9 xã Ea Kiết đã mạnh dạn thực hiện tái canh 1,7 ha cà phê của gia đình được trồng từ năm 1995 bằng phương pháp ghép chồi. Chỉ sau 02 năm thực hiện tái canh bằng phương pháp ghép chồi, 1.700 gốc cà phê của gia đình ông Tuất đã cho thu bói với sản lượng đạt hơn 06 tấn, bình quân mỗi cây cho thu hoạch 3,5 kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, lợi nhuận từ vườn cà phê đã tái canh của gia đình Tuất đạt gần 200 triệu đồng.
Không riêng gia đình anh Nguyễn Hạnh ở thị trấn Quảng Phú và và gia đình ông Trần Mậu Tuất ở xã Ea Kiết - đến nay nhiều hộ nông dân trồng cà phê ở huyện Cư M'gar đã mạnh dạn thực hiện tái canh. Những vườn cà phê già cỗi có năng suất thấp đã và đang được thay thế dần bằng những giống mới, chất lượng cao. Từ năm 2014 đến nay bà con nông dân trên địa bàn huyện Cư M'gar đã thực hiện tái canh được khoảng 4.700 ha diện tích cà phê già cỗi. Phần lớn người trồng cà phê đã chủ động loại bỏ những giống cà phê trước đây không rõ nguồn gốc, năng suất, chất lượng kém, thay vào đó bằng những loại giống có hiệu quả kinh tế cao như: TR4, TR6, TR9, TRS1, Xanh Lùn… Bên cạnh đó người trồng cà phê trên địa bàn huyện còn chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong tái canh, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để nâng cao năng suất, hiệu quả vườn cây. Đến nay nhiều vườn cà phê tái canh đã bắt đầu bước sang năm thứ 3, thứ 4, vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, với năng suất vượt trội và ổn định, nhiều vườn cà phê tái canh cho năng suất tăng từ 02 đến 03 lần khi chưa tái canh.
Để triển khai thực hiện chương trình tái canh cà phê trên địa bàn, UBND huyện Cư M'gar đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp phối hợp tiến hành rà soát, thống kê các diện tích cần tái canh. Qua đó hướng dẫn cho người dân về thủ tục, quy trình đăng ký tái canh để được hỗ trợ giống và tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng để thực hiện tái canh… Trong 05 năm qua huyện Cư M'gar đã hỗ trợ cho bà con nông dân gần 2,3 triệu cây giống cà phê các loại để tái canh, trong đó có năm hỗ trợ nhiều trên 580.000 cây giống các loại. Đồng thời giúp cho người trồng cà phê và doanh nghiệp vay được khoảng 55 tỷ đồng để thực hiện tái canh vườn cây. Bên cạnh đó hỗ trợ về giống và vốn, huyện Cư M'gar còn chủ động chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc vườn cây, nên bà con nông dân trên địa bàn huyện rất hào hứng tham gia chương trình tái canh cây cà phê để nâng cao năng suất, sản lượng vườn cây, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Việc thực hiện tái canh cà phê không chỉ cải thiện thu nhập cho các nông hộ mà còn góp phần duy trì diện tích, ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng và thương hiệu cà phê trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay nhiều gia đình còn thực hiện tái canh theo kinh nghiệm, chưa áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong tái canh từ cây giống đến cách chăm sóc nên sản lượng nhiều vườn cây đạt chưa cao, thường xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại ./.
-S.Pa-