Tình hình sâu hại trên cây lúa tháng 8/2016
Hiện nay điều kiện thời tiết không thuận lợi, lượng mưa không đều, không đủ độ ẩm để cây lúa sinh trưởng và phát triển.
Tại các xã: CưM'gar, Quảng hiệp, EaM'roh... một số chân ruộng thiếu nước dẫn đến một số bệnh trên cây lúa nước hè thu có cơ hội lây lan, phát triển. Qua kiểm tra của Trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật huyện: trên trà lúa chính (> 30 ngày tuổi) bệnh vàng lá sinh lý, đốm sọc vi khuẩn, đốm nâu gây hại, mức độ gây hại nhẹ cấp bệnh 1-3 phân bố rải rác ở các vùng trồng lúa. Một số diện tích lúa bị các bệnh vàng lụi, bệnh vàng lá sinh lý, cháy bìa lá, bệnh khô đầu lá, đốm nâu, bệnh đạo ôn khá nặng, khả năng bệnh còn lây lan và phát triển trong thời gian tới. Diện tích nhiễm nặng ước tính trên 20ha.
Trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân bón phân cân đối theo quy trình kỹ thuật. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ bệnh Anvil 5 SC, Tilt 250EC… để khống chế bệnh lây lan ra diện rộng. Có thể phun kết hợp với các loại phân vi lượng để tăng sức đề kháng của cây lúa, khắc phục bệnh vàng lá sinh lý. Giữ mực nước ruộng từ 1-3 cm, bón bổ sung phân lân và phân kaly, bón ít phân đạm.
Đối với những ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng, đang thiếu nước, nhưng đất đang còn độ ẩm và cấp bệnh từ cấp 3-5 có thể sử dụng các loại thuốc Anvil,Tilt để khống chế bệnh, pha theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì, phun 2 lần cách nhau 5-7 ngày. Với diện tích có điều kiện tưới nên tưới bổ sung nước để cây lúa đủ độ ẩm sinh trưởng, phát triển. Bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy nâu và có biện pháp phòng trừ./.
Công Phong