Tình trạng sinh đông con, sinh dày diễn biến khá phức tạp ở buôn H'ring xã Ea H'đing
Mặc dù thường xuyên được tuyên truyền về những hệ lụy từ mô hình gia đình đông con, nhưng thời gian qua, việc sinh nhiều, sinh dày ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea H'đing vẫn cứ âm thầm xảy ra và chưa có chiều hướng dừng lại. Việc sinh đông con, sinh dày đã làm cho nhiều gia đình vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn, không có điều kiện phát triển kinh tế và chăm sóc, nuôi dạy con cái dẫn đến luẩn quẩn mãi trong vòng đói nghèo, thất học.
Chị H ôn (ở giữa) cùng 4 đứa con
Chúng tôi đến thăm nhà chị H'Ôn dân tộc Xê Đăng ở buôn H'ring (xã Ea H'đing) vào một buổi trưa cuối tháng 8/2020. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là ngôi nhà nhỏ cấp IV lụp xụp với những đứa nhỏ nheo nhóc chơi đùa, quấy khóc. Tuy mới 40 tuổi nhưng chị H'Ôn đã có tới 10 mặt con, đứa lớn nhất năm nay đã 20 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa đầy 01 tháng tuổi. Chị H'Ôn cho biết: Năm 19 tuổi chị lấy chồng rồi sinh con liên tiếp cứ 02 năm một đứa. Từ khi lập gia đình đến nay chị chỉ biết quanh quẩn ở nhà chăm con mọn, sức khỏe ngày một yếu, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình phụ thuộc vào 06 sào rẫy cà phê do cha mẹ để lại và tiền công đi làm thợ xây của chồng. Công việc và thu nhập của chồng cũng không thường xuyên, mỗi khi có công trình chồng chị mới có việc làm, còn không thì ở nhà đi làm rẫy. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc học hành của các con chị H'Ôn cũng không được đảm bảo. Tuy thuộc diện hộ nghèo, được giảm và không phải đóng tiền học phí, nhưng hiện tại chị H'Ôn chỉ còn 04 người con đang đi học, 02 người con khác đã nghỉ học khi mới học hết lớp 7 và lớp 9 để ở nhà phụ bố việc nương rẫy và giúp mẹ trông em. Tuy nhà đông con, nghèo đói, khó khăn là thế, nhưng khi hỏi sao vợ chồng không sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chị H'Ôn chỉ biết cười và nói: Trước đây bản thân cũng đã được tuyên truyền và áp dụng phương pháp đặt vòng tránh thai nhưng thấy đau đầu, nên từ đó không sử dụng nữa và cũng không áp dụng các biện pháp tránh thai nào khác, vì thế các con cứ lần lượt ra đời. Khi được hỏi thời gian tới có tiếp tục sinh con nữa không, chị H'Ôn ở buôn H'ring xã EaH'đing chỉ biết cười.
Ở buôn H'ring (xã Ea H'đing) thực trạng gia đình đông con không chỉ có gia đình chị H'Ôn mà hầu hết gia đình nào cũng đông con. Số gia đình trong buôn sinh từ 02 đến 03 người con chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại đa số đều sinh từ 04 đến 06 người con, thậm chí cả chục người con, và buôn H'ring là buôn có tỷ lệ số cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên cao nhất của xã Ea H'đing trong nhiều năm qua. Buôn H'ring hiện có 348 hộ gia đình nhưng số nhân khẩu có tới gần 2.100 người, trong đó có tới 20,6% số gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo… Bà Nguyễn Thị Đào cộng tác viên dân số buôn H'ring (xã Ea H'đing) cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền đoàn thể ở địa phương thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông dân số, vận động đồng bào trong buôn chủ động thực hiện tốt các chính sách của Đảng-Nhà nước về kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên nhiều cặp vợ chồng không chấp nhận sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình vì nhiều lý do như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi hay những lý do liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và sự cấm cản từ phía gia đình. Mặc dù biết sinh đông con là khổ, nhưng các cặp vợ chồng trong buôn vẫn thuận theo tự nhiên và các đứa trẻ cứ thế lần lượt được sinh ra. Bà Nguyễn Thị Đào cộng tác viên dân số buôn H'ring (xã Ea H'đing) cho biết thêm: Chúng tôi đi tư vấn từng nhà để cho họ hiểu, con họ muốn KHHGĐ nhưng cha mẹ lại không, con dâu muốn nhưng cha mẹ họ không muốn. Nhiều trường hợp đi lấy viên thuốc tránh thai để uống tội lắm, họ phải dấu không cho cha mẹ biết. Nhiều người chồng phải tự đi lấy thuốc về cho vợ uống vì sợ mẹ phát hiện. Nói chung họ cũng ý thức được một chút về KHHGĐ.
Chị H'Dê Niê – cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình xã Ea H'đing cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, địa bàn xã Ea H'đing có 131 trẻ em được sinh ra, trong đó có 24 trẻ là con thứ ba trở lên, chiếm tỷ lệ 18,3%, trong đó chủ yếu tập trung tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt buôn H'ring có đến 11 trẻ là con thứ ba trở lên. Nguyên nhân tình trạng sinh con thứ ba trở lên còn cao là do suy nghĩ và nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế, đồng bào còn mang nặng phong tục, tập quán, tín ngưỡng - tôn giáo. Chị H'Dê Niê - cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình xã Ea H'đing nói: Công tác tuyên truyền chúng tôi thực hiện hằng năm, kết hợp với Mặt trận và các ban, ngành đoàn thể để lồng ghép tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sàng lọc trước sinh… Mình thường xuyên đến thăm các hộ gia đình và thực hiện công tác tư vấn sức khỏe sinh sản, gặp đâu là mình tuyên truyền đó. Nghe mình tuyên truyền họ cũng chú ý lắng nghe, tuy nhiên họ không thực hiện làm theo…
Gia đình sinh đông con, sinh dày hiện nay đang là thực trạng chung ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea H'đing. Tình trạng sinh con quá gần nhau là nguyên nhân gây ra nhiều tai biến khi mang thai và khi chuyển dạ cho cả mẹ và con, bệnh lý thường gặp là thai nhi kém phát triển, nhẹ cân, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, đặc biệt là phục hồi sức khỏe người mẹ. Hiện nay công tác truyền thông, vận động, tư vấn và cung cấp các phương tiện tránh thai hoàn toàn miễn phí, nhưng phần lớn đồng bào vẫn còn thờ ơ chưa quan tâm và thực hiện. Do gia đình đông con nên cứ mãi luẩn quẩn trong vòng đói nghèo, con cái thất học không lối thoát và là gánh nặng không nhỏ đối với cộng đồng, xã hội ./.
H'Xiu ÊBan