Tình trạng tảo hôn ở huyện Cư M'gar giảm mạnh
Nhờ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể - nên thời gian gần đây, tình trạng tảo hôn ở huyện Cư M'gar đã có những chuyển biến tích cực trong cộng đồng dân cư, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Cư M'gar hiện có 17 xã-thị trấn với gần 47% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng, vì vậy đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng dân số mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo, túng quẩn. Trước thực trạng trên, huyện Cư M'gar đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thiểu giảm tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số như: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của nhân dân về chính sách dân số/KHHGĐ, trong đó chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; tiến hành rà soát những đối tượng có nguy cơ tảo hôn để có biện pháp tiếp cận, tuyên truyền, thuyết phục; đồng thời kết hợp cả những biện pháp răn đe, xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm… Nhờ đó tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Cư M'gar đã được kiềm chế và giảm mạnh so với trước đây. Năm 2017 xã CưM'gar là một trong những điểm "nóng" về tình trạng tảo hôn của huyện Cư M'gar. Nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và ngành dân số nên tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã đang từng bước được đẩy lùi. Từ đầu năm 2018 đến nay, xã Cư M'gar có 54 cặp vợ chồng kết hôn nhưng không ghi nhận trường hợp nào tảo hôn. Chị H'Thúy Ayun cán bộ chuyên trách dân số/KHHGĐ xã Cư M'gar cho biết: "Hiện nay, nhận thức của nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, họ đã thấy và hiểu được những hệ lụy của việc tảo hôn. Có trường hợp cũng có ý định kết hôn khi chưa đủ tuổi nhưng được vận động họ đã đồng ý hoãn đến khi đủ tuổi mới tổ chức kết hôn theo đúng quy định…".
Cán bộ, công tác viên dân số xã Ea Mdroh (phải) tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ cho người dân
Cũng như xã Cư M'gar, hiện nay tình trạng tảo hôn ở thị trấn Ea Pốk cũng đã giảm đáng kể. Chị Nguyễn Thị Kiều Trang cán bộ chuyên trách dân số/KHHGĐ thị trấn Ea Pốk chia sẻ: "Tảo hôn ở địa phương trước như một "phong trào" nên số cặp tảo hôn hàng năm khá nhiều. Riêng 06 tháng đầu năm 2017 thị trấn Ea Pốk có 09 cặp tảo hôn, là địa phương có số cặp tảo hôn nhiều nhất của huyện Cư M'gar. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể, chỉ mới ghi nhận được 01 trường hợp tảo hôn. Hiện nay chúng tôi tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn…". Trung tâm dân số/KHHGĐ huyện Cư M'gar cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Cư M'gar đã ghi nhận có 17 trường hợp tảo hôn, giảm 38 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017. Điều đáng ghi nhận, nhiều địa phương trước đây là điểm "nóng" về tình trạng tảo hôn thì đến nay đã được kiềm chế và từng bước được đẩy lùi. Ông Nguyễn Duy Lợi - Giám đốc Trung tâm dân số/KHHGĐ huyện Cư M'gar cho biết: "Do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên trước đây tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến, nhiều trường hợp cưới nhau khi tuổi đời còn rất nhỏ. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn đều sống phụ thuộc vào bố mẹ. Hệ lụy của việc tảo hôn là tình trạng đói nghèo, con cái còi cọc, suy dinh dưỡng do bố mẹ chưa trưởng thành, chưa có ý thức và kinh nghiệm chăm sóc con cái. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng tảo hôn ở huyện Cư M'gar đã từng bước được kiềm chế và giảm mạnh. Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, nhiều địa phương ghi nhận số cặp tảo hôn khá lớn, thậm chí lên đến gần 10 trường hợp, thì nay đã giảm nhiều, đặc biệt có 09 xã, thị trấn chưa ghi nhận xảy ra tảo hôn…"
Có thể nói đây là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên để tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn thì huyện cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp, trong đó cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về chính sách dân số/KHHGĐ, cũng như những hệ lụy của việc tảo hôn, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm./.
S.Pa