Tổ chức Hội Phụ nữ với các hoạt động tích cực nhằm góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn
Song song với sự phát triển của xã hội, thời gian qua tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện Cư M'gar có diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 59 vụ phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội, hậu quả làm 03 người chết, 12 người bị thương, tổng thiệt hại về tài sản trị giá trên 03 tỷ đồng. Trong đó nổi lên các vụ việc liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư. Trước thực trạng đó Hội LHPN huyện Cư M'gar đã kịp thời chỉ đạo cho các cơ sở Hội chủ động và tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm góp phần đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn.
Huyện Cư M'gar hiện có 38.325 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 26.767 hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt ở 18 cơ sở Hội trực thuộc huyện Hội. Thời gian qua hoạt động "tín dụng đen" có xu hướng lan rộng ở các địa bàn dân cư, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, các đối tượng cho vay nặng lãi thường nhắm đến số phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt. Phần lớn hội viên do nhu cầu cấp bách về tiêu dùng, không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được nguồn thu nhập, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn nên khó khăn khi làm thủ tục vay vốn tại các Ngân hàng. Vì vậy chị em tìm đến "tín dụng đen" để nhanh chóng có tiền trang trải cuộc sống. Bằng hình thức quảng cáo, dán phát tờ rơi hấp dẫn như: Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày, alo là có tiền,… kèm theo số điện thoại liên lạc với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần photo một số giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy,… là chị em có thể vay tiền ngay. Nhưng thực chất hoạt động cho vay này có lãi suất rất cao từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm để thu lợi bất chính. Vì vậy người vay khi đã vay từ "tín dụng đen" thường không có khả năng trả nợ, sau đó bị các đối tượng cho vay đến siết nợ, đòi nợ mang tính chất đe đọa đến sức khỏe, tính mạng, thậm chí bắt giữ người trái phát luật, cưỡng đoạt tại sản, có trường hợp do số tiền lãi quá lớn nên phải trốn khỏi địa phương…
Nhằm góp phần đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn, từ đầu năm 2019 đến nay Hội LHPN huyện Cư M'gar cùng với các cơ sở Hội Phụ nữ trong huyện đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động để chị em hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, những mối nguy hại, hệ lụy của hoạt động cho vay vốn theo hình thức về "tín dụng đen", giúp chị em không bị "mắc bẫy". Trong đó huyện Hội đã phối hợp với TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo tăng cường các giải pháp tiếp cận tín dụng cho phụ nữ góp phần đẩy lùi "tín dụng đen". Ngoài ra Hội LHPN huyện Cư M'gar còn chọn địa bàn xã Cư Suê để tổ chức buổi truyền thông với chủ đề "Phụ nữ nói không với tín dụng đen", vì đây là địa phương có số lượng phụ nữ nữ "mắc bẫy" hoạt động "tín dụng đen" nhiều với số tiền hàng chục tỷ đồng. Dưới dự chỉ đạo của huyện Hội, 17 cơ sở Hội Phụ nữ cũng đã lồng ghép tổ chức các buổi truyền thông nói không với "tín dụng đen" thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ, sinh hoạt Chi-tổ-nhóm để chị em cảnh giác. Vì vậy nhận thức của hội viên phụ nữ trên địa bàn ngày càng được nâng lên và tự biết cách bảo vệ mình trước tình trạng "tín dụng đen". Bởi "tín dụng đen" hoạt động ngày càng tinh vi, len lỏi ở khắp buôn-làng, ngõ xóm, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Amí H'Zin ở buôn Cuôr Đăng A xã Cuôr Đăng chia sẻ: Trước đây tôi không hiểu về hoạt động "tín dụng đen" là gì, khi tham gia các buổi truyền thông do Hội Phụ nữ tổ chức nên tôi mới hiểu được thực chất của hoạt động này. Đây là hoạt động lừa đảo cho người dân vay vốn với lãi xuất cắt cổ. Nếu người vay không có khả năng trả nợ thì họ sẽ đến đánh đập giống như trường hợp một chị trong buôn mà tôi đã thấy. Các đối tượng đến đánh đập cả vợ lẫn chồng, ép vợ chồng ký giấy tờ bán đất cho họ để gán nợ đã vay. Vì vậy bản thân tôi sẽ là một tuyên truyền viên cho chị em ở trong buôn hiểu rõ hơn về những mối nguy hiểm của hoạt động "tín dụng đen", để chị em không bị "mắc bẫy", nếu muốn vay vốn thì liên hệ với tổ chức Hội hoặc đến các Ngân hàng Nhà nước để làm thủ tục vay vốn, trang trải cuộc sống.
Không những đẩy mạnh công tác truyền thông, Hội LHPN huyện và các cơ sở Hội còn tích cực trong công tác huy động và khai thác hiệu quả các nguồn vốn để giúp chị em được vay vốn với lãi xuất ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đến nay Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp và duy trì các nguồn vốn vay tín chấp từ các tổ chức tín dụng và các nguồn vốn dự án cho trên 6.000 lượt gia đình hội viên phụ nữ vay với tổng dư nợ gần 130 tỷ đồng. Ngoài ra tổ chức Hội Phụ nữ trong huyện còn vận động hội viên tích cực tham gia đóng góp xây dựng các nguồn quỹ tại chỗ như: Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, "phụ nữ giúp nhau lúc giáp hạt", "giúp phụ nữ nghèo"… với số tiền trên 17,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã trực tiếp cho 1.649 lượt hội viên phụ nữ nghèo và cận nghèo vay để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra chị em trong huyện còn tham gia đóng góp xây dựng vốn "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh" với số tiền đến nay được 580 triệu đồng, qua đó đã trao vốn cho 52 chị em vay xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực…
Song song đó Hội LHPN huyện và các cơ sở Hội còn tăng cường, chú trọng việc quản lý các nguồn vốn vay, đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, giải ngân đúng đối tượng và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thu hồi trả gốc, lãi đúng kỳ hạn cho Ngân hàng. Không những thế tổ chức Hội Phụ nữ trong huyện còn chủ động phối hợp tổ chức định hướng nghề cho phụ nữ khởi nghiệp, mở các buổi tập huấn, hội thảo, hướng dẫn các tiến bộ KHKT-công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi để chị em tham gia học tập nhằm tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, góp phần đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên bịa bàn ./.
H Xiu