Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012
Ngày 30/12/2021 UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đình Trung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu huyện Čư M'gar có đồng chí Phạm Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng và quy mô, hiệu quả hoạt động. Đến nay toàn tỉnh có 608 hợp tác xã, trong đó có khoảng 390 hợp tác xã nông nghiệp và 218 hợp tác xã phi nông nghiệp với khoảng 68.000 thành viên tham gia (tăng so với năm 2003 khoảng 400 hợp tác xã). Sản phẩm của các hợp tác xã ngày càng đa dạng, phong phú, từng bước đáp ứng cơ chế thị trường. Một số sản phẩm đạt 03 sao OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), gần 100 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy suất nguồn gốc, mã vạch, thu nhập của lao động trong khu vực hợp tác xã ước đạt 35 triệu đồng/năm… Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của kinh tế hợp tác và hợp tác xã thời gian qua ở tỉnh Đắk Lắk vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là hợp tác xã phát triển chưa xứng với tiềm năng; số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng mạnh nhưng hoạt động chưa thật sự hiệu quả, thiếu tính bền vững, quy mô thành viên và doanh thu của các hợp tác xã nông nghiệp còn nhỏ…
Riêng tại huyện Čư M'gar hiện có 44 hợp tác xã, trong đó có 42 hợp tác xã nông nghiệp, 02 hợp tác xã thương mại, dịch vụ và quản lý chợ. Một số hợp tác xã đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm theo chứng nhận, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa. Một số hợp tác xã có sự liên kết hợp tác với nhau trong từng khâu sản xuất, chất lượng và hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác và hợp tác xã từng bước được nâng lên…
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương, đã thảo luận, làm rõ vai trò, vị trí của trong lĩnh vực phi nông nghiệp, nông nghiệp, nêu lên những thuận lợi, khó khăn và giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phát triển kinh tế tập thể, quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế, tiếp tục duy trì hoạt động, sản xuất, lao động an toàn trong điều kiện dịch bệnh; tạo những sản phẩm đặc trưng, hình thành chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ tạo môi trường pháp lý thuận lợi để kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nhất là xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm theo cụm liên kết ngành; hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, tăng cường hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh của các mô hình sản xuất trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế số./.
-S.Pa-