Triển vọng từ mô hình trình diễn giống ngô lai DK 6918 và giống ngô lai chuyển gien DK 6919S
Nhằm giúp bà con nông dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững - trong thời gian qua xã Cư M'gar đã chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp triển khai thực hiện các mô hình khảo nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao để giới thiệu cho bà con nông dân học tập, áp dụng vào sản xuất. Mô hình trình diễn giống ngô lai DK 6818 và giống ngô lai biến đổi gien DK 6919S vừa được thực hiện thành công tại địa bàn thôn 5 bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trên địa bàn.
Mô hình trình diễn giống ngô lai DK 6818 và giống ngô lai biến đổi gien DK 6919S được thực hiện tại gia đình ông Lý Văn Khờ ở thôn 5 xã Cư M'gar trong vụ sản xuất đông xuân 2017-2018. Đây là mô hình do xã Cư M'gar phối hợp với Công ty TNHH Dekalb Việt Nam thực hiện trên diện tích 5.000m2, trong đó giống ngô lai DK 6918 được gieo trồng với diện tích 4.000 m2 và giống ngô lai chuyển gien DK 6919S trên diện tích 1.000 m2. Ông Lý Văn Khờ ở thôn 5 xã Cư M'gar người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết: Gia đình ông thực hiện mô hình trình diễn giống ngô lai DK 6918, DK6919 đã được 06 năm nay, còn đối với giống ngô lai chuyển gien DK 6919S thì khoảng 03 năm nay. Khi tham gia mô hình, gia đình ông được công ty tài trợ 100% kinh phí từ giống đến thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phương thức phòng trừ sâu bệnh gây hại. Đồng thời cán bộ công ty còn thường xuyên xuống thăm đồng ngô để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện mô hình theo từng thời điểm. Sau khi thu hoạch gia đình ông được hưởng lợi 100% sản lượng mà không phải mất bất cứ cứ chi phí sản xuất nào. Ông Lý Văn Khờ ở thôn 5 xã Cư M'gar người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết: Trước đây trên diện tích này trồng các loại cây họ đậu. Mấy vụ đầu cho năng xuất, sản lượng cao, về sau đất bị rửa trôi, bạc màu nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Vả lại trồng đậu mất nhiều thời gian và nhân công vì đậu trồng phải dày, khâu làm cỏ khó. Khi thực hiện mô hình, công ty đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất, không lấy lãi, gia đình chỉ bỏ công chăm sóc.
Kết quả đánh giá mô hình khảo nghiệm giống ngô lai DK 6918 và ngô lai chuyển gien DK 6919S có nhiều ưu điểm vượt trội so với nhiều giống ngô lai truyền thống khác. Đây là loại giống ngô ngắn ngày, trồng được 03 vụ/năm, thời gian sinh trưởng từ 90 đến 100 ngày, cây cao trung bình chống đổ ngã, lá hẹp thích hợp với việc trồng dày, dễ thích nghi trên mọi thổ nhưỡng, chống chịu hạn tốt. Hạt giống đã được xử lý theo công nghệ mới, cải thiện sức khỏe cho cây và khả năng kháng lại các loại sâu bệnh gây hại, nhất một số sâu bệnh thông thường hay xảy ra ở các giống ngô lai truyền thống như: Sâu đục thân, đục quả, sâu khoang, bệnh rỉ sắt, cháy lá… Năng suất ổn định đạt từ 10 đến 14 tấn/ha, độ đồng đều của trái cao, cùi nhỏ, hạt to và có màu vàng cam đẹp mắt. Kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc các giống ngô lai này cũng rất đơn giản. Trước khi gieo tỉa, đất phải sạch cỏ, có tơi xốp và độ ẩm cần thiết để hạt nảy mầm. Mật độ gieo tỉa 60cm x 20cm, lượng phân bón lót cho diện tích 1.000 m2 ngô là 50 kg phân lân và 20 kg phân NPK (16-16-8). Sau khi gieo tỉa từ 15 đến 20 ngày cần phun 01 lần thuốc cỏ lưu dẫn có hoạt chất Glyphosate với liều lượng từ 02 đến 03 lít. Sau 20 ngày và từ 40 đến 45 ngày tiến hành bón thúc lần 01 và lần 02 với mỗi đợt bón 16 kg phân Urê và 08 kg phân Kali. Sau đó theo dõi, chăm sóc tưới nước đều, không phải bón phân hay xịt thuốc gì nữa cho đến khi thu hoạch.
Cánh đồng ngô lai trình diễn của ông Lý Văn Khờ
Ông Lý Văn Khờ ở thôn 5 xã Cư M'gar người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết thêm: Giống ngô của công ty cung cấp cây lên rất là đều, đạt tỷ lệ trên 90%. Cây chống chịu hạn tốt, trồng dày, trái to. Sau khi gieo tỉa 20 ngày thì bón phân thúc đợt 1, sau 40 đến 45 ngày bón thúc đợt 2. Nếu cây ngô có biểu hiện sâu bệnh gây hại thì điện thoại báo cho công ty, công ty cử cán bộ xuống kiểm tra, xử lý và cung cấp thuốc để gia đình phun. Cũng theo ông Lý Văn Khờ ở thôn 5 xã Cư M'gar cho biết: Trước đây trên diện tích này gia đình ông canh tác các loại cây đậu nhưng chỉ thu được từ 13 đến 14 triệu đồng (chưa trừ chi phí đầu tư). Còn khi thực hiện trồng hai giống ngô lai này, sau mỗi vụ thu nhập được từ 22 đến 24 triệu đồng, trừ hết chi phí sản xuất có lãi khoảng 20 triệu đồng.
Từ mô hình trình diễn giống ngô lai DK 6918 và ngô lai chuyển gien DK 6919S cho thấy triển vọng đáng mừng trong việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, đặc biệt là đối với những diện tích lúa bấp bênh về nguồn nước. Hiện xã Cư M'gar khuyến cáo bà con nông dân trên địa bàn mạnh dạn lựa chọn các giống ngô lai này để đưa vào sản xuất. Bởi các giống ngô lai này vừa dễ trồng, vừa tăng vụ (nâng cao hệ số sử dụng đất), tăng giá trị kinh tế, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xóa đói giảm nghèo trên địa bàn./.
H Xiu