Trồng cà tím Nhật Bản - hướng sản xuất mới của người nông dân
Vừa qua 02 thành viên của tổ hợp tác trồng rau sạch ở thôn Tân Tiến thị trấn Ea Pốk đã liên kết với Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Bảo An (huyện Krông Năng) triển khai mô hình trồng cà tím Nhật Bản. Mô hình trồng cà tím Nhật Bản tuy mới cho thu bói nhưng bước đầu đã mang lại tín hiệu khá khả quan, giúp người nông dân có thêm thu nhập, yên tâm sản xuất vì đầu ra đã được đảm bảo.
Chị Ngọc Thu, thôn Tân Tiến đang thu hoạch quả cà tím Nhật Bản
Vừa tâm sự với chúng tôi vừa thu bói những quả cà tím Nhật Bản đầu vụ căng bóng, chị Bùi Thị Phương ở thôn Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) cho biết: Trước khi tham gia mô hình này chị đã được cán bộ Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Bảo An giới thiệu về giống cà tím. Đây là giống cây ngắn ngày, chăm sóc tốt thì khả năng cho thu hoạch của cây kéo dài từ 06 đến 08 tháng, cây trồng được quanh năm, cho thu hoạch sau 02 tháng trồng, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Người tham gia mô hình được ký kết hợp đồng với Công ty trong việc cung cấp giống, nếu trồng trên 03 sào thì được Công ty hỗ trợ 50% giá trị cây giống và vật tư nông nghiệp, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thu mua ổn định 7.000đ/kg… Đặc biệt người trồng phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật để sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn thu mua trong hợp đồng đã được ký kết. Qua đó gia đình chị Phương đã mạnh dạn tham gia trồng thử nghiệm 01 sào cà tím Nhật Bản (1.000 m2). Trên diện tích này gia đình chị Phương đã đầu tư 1.000 cây giống cà tím Nhật Bản. Khi trồng chị còn được cán bộ của Công ty cung cấp tài liệu và hướng dẫn tận tình các quy trình kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc, tưới nước, bón phân, cách phân biệt và phòng trừ hữu hiệu một số sâu bệnh gây hại. Thực tế cho thấy - quá trình trồng và chăm sóc cà tím Nhật Bản khó hơn nhiều so với các loại cà tím truyền thống ở địa phương, cá tím Nhật Bản hay mắc một số bệnh như: sâu xanh, sâu đục bông, sâu đục quả, sâu vẽ bùa, nhện đỏ cùng các loại côn trùng hút chích quả khác… Khi phát hiện sâu bệnh gây hại, người trồng phải báo ngay cho Công ty biết để cử cán bộ xuống kiểm tra, xử lý, chỉ định các loại thuốc phòng trừ, người trồng không được tự ý mua thuốc về xử lý. Sau hơn 02 tháng trồng và chăm sóc vườn cà tím Nhật Bản, gia đình chị Phương đã thu bói được sản lượng hơn 100 kg quả. Thu hoạch tới đâu được Công ty thu mua tới đó với giá ký kết theo hợp đồng bao tiêu 7.000đ/kg. Thấy hiện quả kinh tế bước đầu mang lại, vừa qua gia đình chị Phương tiếp tục ký kết hợp đồng với Công ty mở rộng diện tích trồng cà tím Nhật Bản thêm 05 sào đất để trồng cà tím Nhật Bản. Chị Bùi Thị Phương ở thôn Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) chia sẻ: Trồng cà tím Nhật Bản sâu bệnh nhiều hơn các loại cà tím thông thường. Phân thuốc cũng phải dùng theo đúng quy trình Công ty khuyến cáo. Công ty cử nhân viên thường xuyên thăm vườn liên tục. Giá công ty thu mua từ đầu đến cuối vụ là 7.000đ/kg. Không lo đầu ra hay giá cả thị trường bấp bênh…
Tương tự - gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Thu ở thôn Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) cũng tham gia trồng cà tím Nhật Bản với chị Phương cho biết: Gia đình đầu tư mua 400 cây cà tím Nhật Bản loại nhỏ với giá 2.500đ/cây về trồng thử nghiệm trên diện tích 500 m2 đất trong vườn của gia đình. Ban đầu cây cà tím Nhật Bản khó chăm sóc vì mắc nhiều loại sâu bệnh, vì vậy đòi hỏi người trồng phải thường xuyên thăm vườn, theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển của cây cũng như kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại. Cụ thể - khi trồng được 10 ngày thì cây bắt đầu phát triển mạnh, người trồng phải cắm choái cách gốc cà khoảng 20 cm giúp cho cây cà đứng vững, không bị ngã đổ do gió, tưới nước cho cây mỗi ngày ít nhất 01 lần để đảm bảo độ ẩm cho đất. Khi cây trồng được từ 30 đến 40 ngày thì tỉa hết các nhánh dưới gốc chỉ để lại 03 nhánh chính nhằm giúp cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh. Còn bón phân chủ yếu là phân chuồng hoai mục, phân đạm hay NPK theo khuyến cáo của Công ty… Sau hơn 02 tháng trồng, vườn cà tím của chị Thu đến nay đã cho thu bói và Công ty bao tiêu thu mua toàn bộ với giá theo hợp đồng 7.000đ/kg. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu ở thôn Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) cho biết: Việc trồng cà tím Nhật Bản có liên kết với Công ty nên gia đình rất yên tâm, cán bộ Công ty thường xuyên xuống vườn theo dõi, kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây và đặc biệt không lo sợ đầu ra của sản phẩm, vì giá đã được niêm yết, ký kết hợp đồng với Công ty. Gia đình đã hết đất canh tác chứ không sẽ mở rộng thêm diện tích trồng cà tím Nhật Bản. Cây cà này thì khó trồng hơn nhiều, chủ yếu bị nấm và con nhện đỏ hút lá. Mình thấy nó bị bệnh thì báo với Công ty để công ty đưa thuốc cho mình phun. Mình làm rau xanh thì 01 tháng đã cho thu hoạch nhưng giá thường bấp bậnh. Còn trồng cà tím Nhật Bản thì đã được Công ty bao tiêu sản phẩm 7.000đ/kg nên không sợ gì cả.
Nhận xét về mô hình trồng cà tím Nhật Bản hiện đang thử nghiệm ở thôn Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk), ông Trần Quốc Hưng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ea Pốk cho biết: Mô hình trồng cà tím Nhật Bản có sự liên kết cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm là mô hình mới tại địa phương. Qua theo dõi thì cây cà tím Nhật Bản phát triển tốt và hiện đang cho thu bói. Hội Nông dân thị trấn tiếp tục theo dõi mô hình, nếu mô hình mang hiệu quả kinh tế cao thì Hội Nông dân sẽ tổ chức cho hội viên tham quan, học tập, tiến tới kết nối Công ty cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nhận thấy hiệu quả bước đầu từ 02 hộ gia đình tham gia trồng thử nghiệm mô hình cà tím Nhật Bản, đến nay đã có thêm 04 hộ gia đình thành viên trong tổ hợp tác trồng rau sạch ở thôn Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Bảo An để trồng cà tím Nhật Bản với tổng diện tích khoảng 05 sào đất (5.000 m2). Tuy nhiên mô hình này còn đang trong quá trình khảo nghiệm, vì vậy rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc định hướng sản xuất. Không để người nông dân thấy lợi ích trước mắt rồi tự phát mở rộng diện tích khi chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung ứng cây giống, chuyển giao KHKT-công nghệ và đặc biệt là việc bao tiêu đầu ra cho phẩm sản ./.
H Xiu Êban