Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cư M'gar thử nghiệm thành công mô hình nấm đông trùng hạ thảo
Sau một thời gian nghiên cứu và trồng khảo nghiệm, mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M'gar thực hiện đã thành công và làm chủ được các quy trình sản xuất giống. Việc khảo nghiệm trồng thành công mô hình nấm đông trùng hạ thảo đã mở ra hướng đi mới trong việc sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện, cải thiện nguồn thu nhập cho bà con nông dân.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giáo viên dạy nghề Trung tâm GDNN-GDTT huyện đang thực hiện mô hình
Nấm đông trùng hạ thảo là loại đông dược quý chứa 17 loại acid amin quý hiếm với tác dụng chuyển hóa và tổng hợp các protein cho cơ thể. Nấm đông trùng hạ thảo được sử dụng làm thực phẩm bổ dưỡng, giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị và phòng chống nhiều loại bệnh, cải thiện các vấn đề về huyết áp, tim mạch, giảm hạ đường huyết, giảm lượng cholesterol, tăng cường lưu thông máu, điều chỉnh nội tiết tố trong cơ thể, làm chậm quá trình lão hóa, tái tạo làn da khỏe mạnh… Với nhiều công dụng khác nhau, nên nhu cầu sử dụng nấm đông trùng hạ thảo trên thị trường khá lớn, tuy nhiên hiện nay nguồn cung cấp sản phẩm còn nhiều hạn chế, giá thành cao, vì vậy việc sản xuất được giống nấm đông trùng hạ thảo hiện là hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế ở địa phương. Xuất phát từ thực tế đó, tháng 10/2020 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M'gar đã triển khai thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể tổng hợp". Sau khi được hỗ trợ về giống, KHKT từ Khoa Công nghệ Sinh học trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M'gar đã thực hiện thành công và hoàn thiện 03 quy trình kỹ thuật gồm: Nhân giống gốc, nhân giống thương phẩm (giống cấp I, cấp II), nuôi trồng và sơ chế nấm đông trùng hạ thảo. Qua đó đã cho ra mắt các dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo được cấy trên giá thể nhộng tằm và gạo lứt. Dây chuyền công nghệ sử dụng các trang thiết bị trong nuôi cấy và sản xuất nấm là nồi hơi công nghiệp, thiết bị khử trùng, hệ thống phun sương, máy điều hòa… Các thông số về điều kiện nuôi trồng nhân tạo đều được thực hiện khá nghiêm ngặt, theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất từ tỷ lệ phối trộn đến thời gian hấp, công đoạn cấy phôi, nhiệt độ môi trường nuôi dưỡng…đều được thực hiện hoàn toàn tự động và có sự kiểm soát của các máy móc, thiết bị. Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giáo viên dạy nghề Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M'gar tâm sự: Nấm Đông trùng hạ thảo khác với các loại nấm khác đó là quy trình làm giống được hỗ trợ bằng hệ thống máy móc, đòi hỏi điều kiện vô trùng. Việc làm giống khá phức tạp, có giai đoạn cấy giống chứ không phải làm phôi. Sau khi đã cấy giống thành công thì ủ trong phòng nuôi ở nhiệt độ 22 độ C và tối hoàn toàn để giống lan ra ăn hết dưỡng chất của giá thể, sau đó được đưa vào phòng nuôi trồng. Quá trình nuôi trong điều kiện vô trùng, tất cả quy trình trong phòng nuôi phải được điều khiển tự động, đảm bảo điều kiện ổn định, hạn chế tối đa người ra vào khu nuôi trồng. Đầu tư cho việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo với diện tích khoảng 40 m2, quy trình sản xuất 2.000 hũ thì phải đầu tư khoảng 500 đến 600 triệu đồng… Nấm đông trùng hạ thảo về cảm quan ở dạng sợi, màu vàng cam, mềm dai, chiều dài từ 05 đến 07 cm. Nấm được nuôi trồng từ 60 đến 70 ngày bắt đầu cho thu hoạch. Nấm đông trùng hạ thảo phát triển tốt thì trên 1.000 hũ sẽ cho thu hoạch từ 20 đến 30 gram nấm khô. Việc xác định được thời gian thu hoạch nấm rất quan trọng vì sẽ quyết định đến chất lượng sản phẩm cũng như giá thành sản phẩm bán ra trên thị trường. Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giáo viên dạy nghề Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M'gar cho biết thêm: Khi đầu sợi chuyển từ dạng nhọn sang dạng tròn, màu vàng cam sang màu trắng sữa thì lúc đó tiến hành thu hoạch. Nếu thu hoạch muộn, nấm sẽ phóng bào tử, lúc đó dưỡng chất sẽ giảm, nếu thu hoạch sớm thì sẽ làm lãng phí giá thể. Thời điểm thu hoạch rất quan trọng, quyết định dược chất trong nấm. Quá trình thu hoạch cũng phải đảm bảo điều kiện vô trùng, nấm sau khi thu hoạch sẽ được đưa vào tủ sấy thăng hoa để đảm bảo dược chất, màu sắc và mùi vị của nấm.
Nhận xét về mô hình khảo nghiệm thành công trồng nấm đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện, ông Phạm Quang Mười - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Đây là mô hình nông nghiệp mới trên địa bàn, bước đầu được đánh giá thành công. Điều kiện thời tiết khí hậu không ảnh hưởng lắm so với điều kiện sản xuất nấm. Bởi vì sản xuất trong phòng lạnh, toàn bộ chuyển trạng thái nhân tạo cho nên điều kiện thời tiết tự nhiên không còn là vấn đề lớn. Tuy nhiên cần phải có bước đánh giá về chất lượng của sản phẩm, từ đó mới tính việc nhân rộng mô hình cho các tổ chức, cá nhân thực sự có nhu cầu. Nếu có nhu cầu chuyển giao thì Trung tâm sẽ mạnh dạn chuyển giao.
Việc khảo nghiệm thành công quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và sơ chế nấm đông trùng hạ thảo ở huyện Cư M'gar đã tạo cơ hội và là tín hiệu vui đối với ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện trong việc ứng dụng công nghệ cao và KHKT, từ đó mở ra hướng đi mới cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình có nhu cầu chuyển giao sản xuất. Tuy nhiên hiện nay nấm đông trùng hạ thảo do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện khảo nghiệm thành công chưa có sự đánh giá cụ thể về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là kinh phí đầu tư trang thiết bị máy móc khá lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao nên việc chuyển giao nhân rộng và phát triển mô hình gặp nhiều khó khăn. Vì vậy rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển và mở rộng sản xuất, cung ứng cho thị trường nguồn dược liệu quý để cải thiện sức khỏe cũng như nâng cao thu nhập cho người sản xuất ./.
H'Xiu ÊBan