Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm tích cực giáo dục kỹ năng gắn với việc tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc cho học sinh
Đóng chân trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong vài năm gần lại đây, trường THCS Y Ngông Niê Kđăm thị trấn Ea Pốk luôn tích cực giáo dục các kỹ năng gắn với việc tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê cho các em học sinh. Qua đó không ngừng bồi đắp, nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn góp phần tích cực khơi gợi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền của dân tộc Êđê cho các em học sinh nơi đây.
Các em học sinh đang tập đánh chiêng
Cứ vào giờ ra chơi hay những ngày cuối tuần, tại nhà Truyền thống-Thư viện của trường THCS Y Ngông Niê Kđăm lại vang lên tiếng chiêng tre rộn ràng, vui tươi do các em học sinh của trường luyện tập. Tiếng chiêng tre đã trở thành âm thanh quen thuộc đối với học sinh và các thầy cô giáo nơi đây. Em H Doen Ni Adrơng, học sinh lớp 7A1, thành viên đội chiêng tre của trường chia sẻ: Nhờ học đánh chiêng mà cứ vào giờ ra chơi hoặc ngày nghỉ của tuần của em trở nên rất thú vị hơn, mới mẻ, cùng với các bạn tìm hiểu và trao đổi trong việc tập luyện chiêng tre. Từ đó, giúp em càng thêm tự hào về truyền thống của dân tộc mình và nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nghệ nhân để truyền dạy kỹ năng đánh chiêng tre của dân tộc Êđê cho thế hệ sau. Em H Doen Nie Adrơng, lớp 7A1, trường THCS Y Ngông Niê Kdăm cho biết: "Đánh cồng chiêng đó là một văn hóa của người Êđê nên em muốn bảo tồn và phát huy truyền thống của người Êđê. Trong quá trình tham gia với các bạn trong trường, trong lớp thì em rất vui, rất thích. Từ năm lớp 6 đến giờ em đã đánh được 2 bài, cũng đánh được thành thạo rồi. Em mong muốn lớn lên có thể dạy cho các em biết đánh cồng chiêng".
Thành lập từ năm học trước, đội chiêng tre trường THCS Y Ngông Niê Kđăm hiện có 12 học sinh cả nam và nữ thuộc khối lớp 6,7. Đây là những em yêu thích chiêng tre và có năng khiếu đánh chiêng được nhà trường lựa chọn. Tranh thủ ngoài giờ học, các em được nghệ nhân truyền dạy một số bài chiêng như Gọi mưa, Mời rượu, Mừng lúa mới... Sau 3 tháng tập luyện chăm chỉ với sự say mê, các em đều đã thuần thục các bài chiêng. Không chỉ thu hút các em học sinh là người dân tộc thiểu số tại chỗ mà việc đánh cồng chiêng còn thu hút các em học sinh là người dân tộc khác tham gia. Điển hình như em Võ Thanh Ngân, cũng học lớp 7A1 đã đăng ký tham gia đội chiêng để thỏa niềm đam mê về truyền thống văn hóa cũng như tăng cường mối gắn kết giữa các bạn với nhau. Em Võ Thanh Ngân, học sinh lớp 7A1, trường THCS Y Ngông Niê Kđăm nói: "Em là người Kinh nhưng thấy những nét đẹp văn hóa của người Êđê rất là hay nên em đã tham gia tập luyện. Trong lúc tập luyện em thấy rất hào hứng và vui khi được tập với các bạn. Chúng em được tập từ hồi lớp 6 tới giờ, cứ vào thứ bảy hàng tuần là chúng em lại rủ nhau lên đây để tập chiêng".
Thầy Hoàng Long Điện, Hiệu trưởng trường THCS Y Ngông Niê Kđăm cho biết: Trường hiện có 11 lớp với 322 học sinh, trong đó 95% là học sinh dân tộc Êđê. Trong khoảng 2 năm học trở lại đây nhà trường đã tích cực trong việc tập trung giáo dục cho các em học sinh của trường các kỹ năng trong học tập gắn với việc bồi đắp tình yêu truyền thống dân tộc Êđê. Trường đã thống nhất với phụ huỵnh học sinh để xây dựng một Nhà truyền thống – Thư viện theo kiến trúc nhà dài nguyên bản của người Êđê, được hoàn thành vào tháng 8 năm 2020. Trong Nhà truyền thống – Thư viện được nhà trường bố trí hợp lý, phù hợp vừa là nơi để trưng bày hình ảnh hoạt động của nhà trường, các hiện vật về văn hóa truyền thống của người Êđê, đặt các kệ sách, bố trí bàn ghế để các em đọc sách, nơi luyện tập đáng chiêng. Qua đó đã tạo ra không gian yêu thích cho nhiều em học sinh, giúp các em có thể đọc những cuốn sách mình thích hay tập luyện đánh chiêng và tìm hiểu về văn hóa dân tộc Êđê sau những giờ học. Cùng với đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội thi liên quan đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, điển hình như trong dịp Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) vừa qua, trường đã tổ chức Cuộc thi làm các sản phẩm văn hóa Êđê dành cho cả giáo viên và học sinh. Qua cuộc thi đã thu hút đông đảo giáo viên và các em tham gia. Trường đã nhận được 54 sản phẩm, hiện vật truyền thống của người Êđê như: trang phục thổ cẩm, gùi, nỏ, tù và, quả bầu, chuông đuổi côn trùng... Từ kết quả cuộc thi, nhà trường đã có sự thay đổi mới mẻ đó là trong tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần của trường lồng ghép để cho các em học sinh tìm hiểu và tự thuyết trình về sản phẩm tiêu biểu mà các em đã dự thi. Cách làm sáng tạo này đã được các em nhiệt tình hưởng ứng và tham gia, giúp các em mạnh dan, tự tin vào bản thân để thuyết trình trước đông, đặc biệt là việc sử dụng thành thạo song ngữ là Êđê – Việt. Qua đó, đã góp phần tích cực cùng nhà trường trong việc giáo dục các kỹ năng cho các em cũng như bồi đắp, nuôi dưỡng tình yêu thương, niềm tự hào với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay trường đang tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch để tiếp tục thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Ê đê. Thầy Hoàng Long Điện, Hiệu trường trường THCS Y Ngông Niê Kđăm nói: "Tiếp tục duy trì các hoạt động này, đặc biệt là hoạt động giáo dục kỹ năng gắn với văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc tại chỗ, như là duy trì đội cồng chiêng, tham gia thi, tìm hiểu, thuyết trình về các sản phẩm văn hóa của người Êđê, phát triển thêm các hoạt động khác rồi nhân rộng các mô hình. Tiếp nối thường xuyên, có những em ra trường có những em mới vào sẽ tiếp tục được học tập và rèn luyện trong môi trường này".
Giáo dục các kỹ năng gắn với tìm hiểu giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Êđê hiện là cách làm hay của Trường THCS Y Ngông Niê Kđăm. Những hoạt động này không chỉ tạo không gian để các em học sinh vui chơi, trải nghiệm sau những giờ học mà còn góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho các thế hệ học sinh./.
H'Xiu ÊBan (30/03. 3