Chủ nhật, ngày 16 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 25/10/2023

Truyền dạy diễn xướng, hát kể sử thi góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người ÊĐê

    Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, đồng bào dân tộc ÊĐê ở huyện Čư M'gar đã tích cực và chủ động giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên trong đời sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào có nguy cơ bị mai một, nhất là việc hát kể sử thi (Klei Khan). Vì vậy thời gian qua huyện Čư M'gar đã chủ động phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức truyền dạy diễn xướng, hát kể sử thi tại xã Ea Tul và đã được đồng bào nôi đây nhiệt tình hưởng ứng, đón nhận.

25.10.3

Nghệ nhân Y Wang Hwing truyền dạy hát kể Sử thi cho các học viên

    Đồng bào ÊĐê gọi sử thi là Klei Khan, theo tiếng Ê Đê thì Klei là lời, bài, Khan là hát kể hay lời kể. Hát kể sử thi là một bức tranh sinh hoạt văn hóa cộng động của người ÊĐê được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia 2014. Trước nguy cơ sử thi bị mai một, vừa qua huyện Čư M'gar đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức mở lớp truyền dạy diễn xướng, hát kể sử thi tại xã Ea Tul. Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Trung tâm Hợp tác Quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) tài trợ. Lớp học sử thi thu hút 20 học viên là người ÊĐê ở xã Ea Tul tham gia trong thời gian 03 tháng. Qua đó học viên đã được các nghệ nhân truyền dạy các bài sử thi như: Sử thi Đăm Săn, Khing Jú, Y Gung Dăng, Dăm Bhu Dăm Bha… Đây là các bài hát, kể ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, đề cao chính nghĩa, nâng cao sức mạnh hình thể lẫn sức mạnh tâm hồn của người ÊĐê. Bên cạnh việc chuẩn bị, biên soạn tài liệu, các nghệ nhân còn chủ động sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống để truyền dạy, nhằm hỗ trợ học viên học tập được dễ dàng, dễ hiểu. Vì vậy các học viên đều cơ bản nắm được cách tổ chức diễn xướng, kỹ thuật, kỹ năng thực hiện lối hát kể Khan, cách láy luyến làn điệu, phương thức thực hành diễn xướng cũng như cách ứng tác và ngẫu hứng sáng tạo trong nghệ thuật diễn xướng sử thi… Chị H'Yuel Niê ở buôn Pơr (xã Ea Tul) một học viên tham gia lớp học cho biết: Bản thân đã đam mê, yêu thích diễn xướng, hát kể sử thi từ lúc còn nhỏ khi nghe các nghệ nhân trong buôn biểu diễn trong các lễ hội, các sự kiện quan trọng của gia đình. Vì vậy khi nghe tin có lớp học ngay tại địa phương chị đã hào hứng, xung phong đăng ký tham gia. Sau 03 tháng học tập, chị đã được các nghệ nhân truyền đạt, giảng dạy các bài sử thi tiêu biểu của người ÊĐê, hướng dẫn cách diễn xướng nói vần, hát vần. Từ đó giúp chị trưởng thành và tự tin trong việc diễn xướng. Chị H'Yuel Niê ở buôn Pơr (xã Ea Tul) nói: Thời gian mình tham gia lớp học rất hứng thú. Biết được nhiều hơn, hiểu những câu chuyện của ngày xưa mà ông bà đã kể. Ví dụ như câu chuyện Y Gung Dăng, bài Đăm Săn đi tìm nữ thần mặt trời, bài Đăm Yi nói về nàng xinh đẹp. Sau khi học lớp này mình tiếp tục tìm tòi, học hỏi thêm nữa để nắm bắt nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn về các bài sử thi để cùng mọi người lan tỏa trong cộng đồng...

    Cũng chung niềm đam mê, yêu thích về lớp diễn xướng và hát sử thi như chị Y'Yuel Niê, em H'Huyền H'Wing ở buôn Triă (xã Ea Tul) cũng đăng ký tham gia lớp học với mong muốn cùng chung tay giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Em H'Huyền H'Wing ở buôn Triă (xã Ea Tul) nói: Con rất yêu những câu chuyện sử thi của người xưa. Nên khi biết có lớp học ở địa phương con đã đăng ký tham gia và nhận được ủng hộ của gia đình. Trong quá trình học ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng với niềm đam mê con đã vượt qua không bõ giữa chừng. Thời gian tới con cũng sẽ cố gắng học để có thể truyền dạy cho thế hệ sau. 

    Tham gia truyền dạy kể sử thi, nghệ nhân Y'Dhin Niê ở buôn Triă (xã Ea Tul) cho biết: Bản thân anh cũng được trưởng thành từ lớp truyền dạy vào năm 2004 do nghệ nhân ưu tú Y'Wang H'Wing trực tiếp hướng dẫn. Từ đó đến nay anh có cơ hội được đi nhiều nơi để thể hiện các bài sử thi và giới thiệu văn hóa của dân tộc mình tới nhiều quốc gia. Bây giờ có lớp truyền dạy, anh có thêm cơ hội truyền lại những hiểu biết của mình để mọi người cùng biết và chung tay giữ gìn nét đẹp vh truyền thống của dân tộc. Nghệ nhân Y'Dhin Niê ở buôn Triă (xã Ea Tul) tâm sự: Với niềm đám mê, lớp học sử thi đa số các em đều nắm bắt được, học được. Khi mình có được những học viên đam mê, nhiệt tình đến lớp để học thì đó là niềm vui lớn đối với mình. Sau này mình mong các học viên truyền dạy cho các thế hệ sau này cũng như mình đã dạy các em hôm nay.

    Ông Y Mang - Phó trưởng Phòng văn hóa Thông tin huyện cho biết: Huyện Čư M'gar rất vinh dự khi có 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Sử thi và Lời nói vần của người ÊĐê. Đây là niềm vui, niềm tự hào đối với huyện Čư M'gar cũng như đối với đồng bào dân tộc ÊĐê trên địa bàn. Thời gian qua huyện Čư M'gar đã phối hợp tổ chức 01 lớp truyền dạy diễn xướng, hát kể sử thi tại xã Ea Tul và lớp truyền dạy lời nói vần tại xã Cuôr Đăng. Qua đó góp phần lan tỏa và phát huy những di sản này trong đời sống cộng đồng, nâng cao hiệu quả gìn giữ, bảo tồn các di sản trong thời gian tới, đây là tiền đề quan trọng để địa phương kết nối, phát triển du lịch văn hóa truyền thống trên địa bàn. Ông Y Mang - Phó trưởng Phòng Văn hóa - thông tin huyện nói: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu để tổ chức các hoạt động diễn xướng, kể khan ÊĐê, lời nói vần ÊĐê tại địa phương. Đồng thời mời các doanh nghiệp, nhà lữ hành tham gia các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu di sản, kêu gọi du khách, du lịch đến với địa phương. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy, bảo tồn và phát huy diễn xướng, kể khan, lời nói vần ÊĐê tại các vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn.

    Huyện Čư M'gar hiện có hơn 30% dân số là người đồng bào dân tộc ÊĐê. Vì vậy việc mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ là việc làm thiết thực và ý nghĩa. Qua đó tiếp tục bảo tồn, phát huy cũng như quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của người Êđê. Khi tiếng hát, kể sử thi vang lên hằng ngày ở các buôn làng sẽ từng bước ăn sâu vào tâm trí cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó tạo ra một lớp người hát kể sử thi mới, để sử thi trường tồn mãi mãi với thời gian./.

H'Xiu Êban

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang