UBND huyện Cư M'gar tổ chức hội thảo xây dựng vùng sản xuất bền vững quy mô lớn, giải pháp quản lý hóa chất hiệu quả trên cây trồng
UBND huyện Cư M'gar vừa tổ chức hội thảo xây dựng vùng sản xuất bền vững quy mô lớn và các giải pháp quản lý hóa chất hiệu quả trong canh tác cà phê và hồ tiêu trên địa bàn của huyện.
Huyện Cư M'gar hiện có trên 50.000 ha đất trồng cây lâu năm, trong đó cà phê có hơn 37.700 ha, cao su khoảng 6.200 ha, hồ tiêu trên 5.500 ha (quy thuần) và gần 500 ha các loại cây ăn quả (quy thuần). Với việc chủ động trong chuyển giao các tiến bộ KHKT-công nghệ, đến nay huyện Cư M'gar có 9.081 hộ gia đình canh tác trên 15.000 ha cà phê theo chương trình phát triển cà phê bền vững bằng hình thức liên kết chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest Alliance... Huyện Cư M'gar cũng đã hình thành các tổ chức kinh tế tập thể tham gia sản xuất cà phê bền vững như: Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Công bằng Ea Kiết, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp thương mại Công bằng Cư DliêM'nông, Liên minh sản xuất cà phê bền vững xã Quảng Hiệp… Tuy nhiên địa bàn huyện Cư M'gar hiện có khoảng 16.000 ha cà phê già cỗi, kém năng suất, chưa quy hoạch vùng sản xuất, nhiều diện tích sản xuất cà phê còn manh mún và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô. Cùng với đó kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, công tác bảo vệ khó khăn, nên người sản xuất cà phê thường hái quả xanh và khâu phơi, sấy, chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến chất lượng sản phẩm cà phê không đảm bảo, việc kết nối thị trường, liên kết chuổi trong sản xuất còn nhiều hạn chế.
Hội thảo lần này đã tập trung định hướng việc phát triển cà phê bền vững trên địa bàn gắn với lợi ích kinh tế xã hội, môi trường và hội nhập thế giới. Đặc biệt là việc chủ động mở rộng thực hành liên kết sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest Alliance...thân thiện với môi trường; từng bước hình thành vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu tập trung và đăng ký cấp mã vùng sản xuất với khoảng 33.000 ha cà phê và 3.000 ha hồ tiêu. Hội thảo cùng dành nhiều thời gian phân tích, đánh giá thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai vùng sản xuất bền vững theo quy mô lớn, giải pháp triển khai thực hiện quản lý hóa chất hiệu quả trên cây trồng, đặc biệt là trên cây cà phê và hồ tiêu ./.
Công Phong