Thứ bảy, ngày 22 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 27/04/2017

Xã Cư Suê ngày càng nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Trong những năm qua, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn xã Cư Suê đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế có thu nhập cao, nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tăng dần theo từng năm.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã CưSuê, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Trích ở thôn 2 - là một trong những hộ gia đình điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Khởi nghiệp chỉ với 03 sào đất được nhà nước cấp, nhưng nhờ chịu khó làm ăn, đến nay gia đình ông Trích đã gây dựng được cơ ngơi khang trang và mở rộng diện tích đất canh tác lên 1,2 ha cà phê xen 900 trụ tiêu, (trong đó có 400 trụ tiêu đang bắt đầu cho thu bói) và hơn 40 cây sầu riêng, bơ. Những cây trồng xen không chỉ có tác dụng che nắng, chắn gió, hạn chế được lượng nước tưới, chống được khô hạn cho cây trồng chính mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Do áp dụng tốt khoa học kỹ thuật nên vườn cây của gia đình ông phát triển xanh tốt, cho năng suất cao. Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình ông Trích có thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư. Nhiều năm nay, gia đình ông Trích đều được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhờ làm kinh tế giỏi, ông được các hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng nông dân của thôn.

Ông Nguyễn Văn Trích (phải) giới thiệu về mô hình trồng tiêu của gia đinh

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế của gia đình, ông Nguyễn Văn Trích cho biết: "Trồng một loại cây thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự biến động của giá cả thị trường, cây cà phê thực ra là không ổn định, có thời điểm trước đây giá chỉ còn 4.000 đồng/kg. Trồng xen hồ tiêu, cây ăn quả vào giá cây cà phê có xuống thấp thì có cây khác bù đắp, nguồn thu cũng đỡ hơn, cây này một ít, cây kia một ít... Đối với gia đình, năm nay cây hồ tiêu mới chỉ thu bói nhưng đã đạt hơn 01 tấn. Năm sau, bước vào thu hoạch chính sản lượng sẽ được nhiều hơn, thu nhập cũng sẽ tăng lên…"

Chúng tôi cũng đã đến thăm hộ gia đình ông Sùi A Hài (người Dao) ở thôn 5. Với cách tính toán là không độc canh cây trồng trên một diện tích, trong 04 ha cà phê của gia đình, ông Hài đã xen thêm cây hồ tiêu, cây ăn quả. Với cách làm này nên kinh tế gia đình luôn phát triển ổn định và cho hiệu quả cao. Bình quân, mỗi năm ông thu được khoảng 15 - 16 tấn cà phê, 04 - 05 tấn tiêu. Từ chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông còn xuất bán ra thị trường 40 con heo con. Sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình ông Sùi A Hài có thu nhập đạt hơn 300 triệu đồng.

Đây chỉ là 02 trong rất nhiều hộ làm kinh tế giỏi ở xã Cư Suê. Tính đến nay, toàn xã CưSuê có 605 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, (tăng hơn 100 hộ so với thời điểm năm 2012). Trong đó, có 18 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 60 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và 527 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã. Đặc biệt, trong số những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi này có nhiều hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Theo bà Phạm Thị Thu – Chủ tịch Hội Nông dân xã CưSuê, để có được kết quả này, Hội Nông dân xã đã có nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế như: tổ chức các buổi thăm quan trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp nông dân thay đổi tư duy, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hội viên. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay Hội Nông dân xã đã đứng ra tín chấp với các công ty phân bón tạo điều kiện cho hội viên, nông dân mua được trên 300 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm, (trị giá trên 1,2 tỷ đồng); phối hợp tổ chức mở được 120 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cho trên 10.000 lượt hội viên, nông dân. Hội còn làm tốt vai trò là cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với hội viên, nông dân, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ do Hội tín chấp cho hội viên vay từ phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội huyện là gần 07 tỷ đồng.  Đặc biệt, từ nguồn vốn "Tương trợ nông dân" các hội viên đã giúp nhau vay hàng chục triệu đồng… Những biện pháp hỗ trợ đó đã giúp nhiều hội viên có thêm điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Những năm trước đây, chuyện thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm là mơ ước của nhiều người thì hiện nay số hội viên, nông dân có thu nhập trên 100 triệu đồng trở lên ở địa phương này ngày càng nhiều…

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thi Thu – Chủ tịch Hội Nông dân xã CưSuê cho biết: "Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên, nông dân. Năm 2012 chỉ có khoảng 800 hộ đăng ký thì đến nay đã lên đến 1.205 hộ, số hộ đạt mỗi năm mỗi tăng. Đầu nhiệm kỳ, số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chỉ từ 30 – 40% trong sốhộ đăng ký nhưng hiện nay là trên 52%. Đặc biệt, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi là người đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng nhiều. Trong tổng số 605 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thì đã có đến hơn 20% số hộ sản xuất kinh doanh giỏi là người đồng bào dân tộc thiểu số …".

Những kết quả đạt được trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở xã CưSuê đã tác động tích cực đến công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

S.Pa

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang