Xã Cuôr Đăng trong nỗ lực, chủ động phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò cho người chăn nuôi
Những ngày qua, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò (hay còn gọi là bệnh da sần) đã lây nhiễm và xuất hiện ở một số hộ chăn nuôi ở xã Cuôr Đăng. Đây là bệnh mới trên đàn trâu bò do virus gây ra, tuy không gây bệnh trên người nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.
Tiêu hủy bò bị bệnh viêm da nổi cục ở xã Cuôr Đăng
Gia đình ông Y Pam Drơng ở buôn Cuôr Đăng A (xã Cuôr Đăng) là hộ đầu tiên ở xã Cuôr Đăng ghi nhận có bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Gia đình có nuôi 02 con bò, trong đó có 01 con mắc bệnh với biểu hiện kém ăn, trên cơ thể xuất hiện nhiều u, cục lớn và những vết loét khiến bò kiệt sức và chết. Điều đáng nói – bò gia đình ông không chăn thả mà được nuôi bằng hình thức nhốt chuồng... Tương tự - dù chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng, nhưng 01 con bê của gia đình ông Y Rom Kriêng ở buôn Aring (xã Cuôr Đăng) cũng bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Hiện gia đình ông không rõ con bê bị lây bệnh từ đâu. Sau khi báo với thú y xã, ông đã được cán bộ thú y hướng dẫn vệ sinh, tiêu động khử trùng khu vực chuồng nuôi, cách chữa trị, chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gia súc. Hiện sức khỏe con bê mắc bệnh viêm da nổi cục của gia đình ông đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò ghi nhận xuất hiện ở xã Cuôr Đăng từ ngày 03/7/2021. Tính đến thời điểm hiện nay toàn xã đã ghi nhận có 35 con bò ở buôn Aring, buôn Cuôr Đăng A và buôn Cuôr Đăng B có các biểu hiện mắc bệnh và nghi mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó đã có 01 con bò mắc bệnh nặng và chết buộc phải tiêu hủy. Ngay sau khi bệnh phát sinh trên đàn bò, cấp ủy, chính quyền xã Cuôr Đăng và các cơ quan chuyên môn của huyện đã tiến hành khoanh vùng dập dịch, bám nắm cơ sở nhằm kịp thời phát hiện sớm các hộ chăn nuôi có bò mắc bệnh để có các biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nhận biết bò mắc bệnh, cơ chế lây lan mầm bệnh, cách chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng để bò tăng cường sức đề kháng phòng bệnh, tổ chức vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng định kỳ, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ruỗi, muỗi, côn trùng hút máu,…) ở khu vực chăn nuôi, đặc biệt là việc đăng ký vắc xin để thực hiện tiêm phòng cho đàn bò. Đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi không chăn thả rông trâu bò, theo dõi đàn gia súc nếu có biểu hiện khác thường báo ngay cho cán bộ thú y để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Với ý thức tự giác, tinh thần chủ động trong phòng chống dịch, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Cuôr Đăng đã đăng ký để có vắc xin tiêm phòng viêm da nổi cục cho đàn bò của gia đình…
Hiện nay xã Cuôr Đăng có tổng đàn bò khoảng 900 con và phần lớn chăn nuôi theo hình thức nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho việc xử lý, khoanh vùng, khống chế dập dịch. Biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm phòng vắc xin phòng bệnh và đã có khoảng 33% tổng đàn bò trên địa bàn xã đã được tiêm phòng. Nhằm chủ động hơn trong việc phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi – người chăn nuôi cần tích cực thực hiện tốt các khuyến cáo của chính quyền địa phương và cơ quan thú y, chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm từ bò mắc bệnh, khi phát hiện gia súc có biểu hiện mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh phải báo ngay cho chính quyền và cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, không để dịch lây lan ra diện rộng ./.
-S.Pa-