Xã Cuôr Đăng với phong trào dân vận khéo, phát huy dân chủ để xây dựng nông thôn mới
Trong những ngày qua, chúng tôi đã về thăm xã Cuôr Đăng đơn vị mới được công nhận xã văn hóa nông thôn mới. Ở đây, những con đường bê tông đã dần thay thế những con đường đất đỏ; nhiều ngôi nhà mới xuất hiện càng tô điểm cho một vùng nông thôn đã từng ngày thay da đổi thịt. Cuộc sống nơi đây ngày càng phát triển nhờ các chính sách của nhà nước và phát huy tinh thần dân chủ trong xây dựng nông thôn mới.
Xã Cuôr Đăng được thành lập năm 1983, nằm ở phía Đông Nam huyện Cư M'gar cách Thành phố Buôn Ma Thuột 17km về hướng Đông Bắc. Dân cư được chia thành 06 buôn. Diện tích đất tự nhiên toàn xã là: 3.333 ha. Dân số hiện nay có 2.556 hộ, 11.080 nhân khẩu, trong đó dân tộc Ê đê chiếm khoảng 83 %. Trong những năm qua, cùng với nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, nhân dân xã Cuôr Đăng luôn tích cực tham gia phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh". Để người dân tích cực tham gia, xã Cuôr Đăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nắm vững những chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Xã Cuôr Đăng luôn xác định mục tiêu là xây dựng một nông thôn phát triển toàn diện, có chất lượng cuộc sống ngày càng cao, có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, làm thay đổi diện mạo nông thôn là động lực tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân. Công tác tuyên truyền đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân nên đã huy động được các nguồn lực tại chỗ trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó thì việc giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của nhân dân, tăng cường đối thoại, gặp gỡ trực tiếp với nhân dân; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; chủ động nắm tình hình và giải quyết những công việc liên quan đến đời sống của nhân dân. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những bức xúc, nổi cộm, nhất là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự nông thôn; không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người. Mỗi cán bộ, công chức đều có ý thức trách nhiệm gần dân, lắng nghe ý kiến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời phản ánh đến lãnh đạo xã và đề xuất những giải pháp giải quyết bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân nên đã tạo được niềm tin trong nhân dân.
Đúng như lời Bác dạy "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Chỉ trong 3 năm (Từ năm 2015 đến năm 2017), nhân dân trong xã đã đoàn kết đồng lòng ra sức đóng góp sức người, sức của để xây dựng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn. Kết quả đã huy động trên 1.000 ngày công, nhân dân tự giải phóng mặt bằng và hiến gần 7.500m2 đất để mở đường, đóng góp trên 05 tỷ đồng tiền mặt để cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước đầu tư xây dựng được 01 km đường nhựa, 17 km đường bê tông, 23 km đường cấp phối đá dăm. Sân thể thao trung tâm xã, hội trường đa năng cũng được đầu tư xây dựng phục vụ các hoạt động chung của xã, hệ thống cơ sở vật chất trường học, y tế được nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, thể chất cho học sinh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Công trình nước sạch, hệ thống kênh mương thủy lợi được xây dựng kiên cố, thường xuyên tu sửa để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển đổi tích cực, công nghiệp, dịch vụ, đào tạo nghề phát triển tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Sản xuất nông nghiệp được đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo môi trường thuận lợi, động viên, khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đến năm 2018 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt bình quân 32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn còn 3,8% vào cuối năm 2018.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Viết Cát, Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng cho biết: "Để đạt được những kết quả nêu trên thì trách nhiệm và vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt địa phương là rất quan trọng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải biết vận dụng sáng tạo triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" mà thực chất là việc thực hiện tốt quy chế dân chủ theo Pháp lệnh 34 theo hướng công khai, minh bạch, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, tạo được sự đồng thuận, khơi dậy niềm tin trong nhân dân. Đặc biệt là thực hiện việc công khai các nội dung để dân biết, tổ chức cho dân bàn và quyết định, các công việc dân tham gia ý kiến, dân làm, dân kiểm tra, giám sát liên quan trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới như thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vệ sinh môi trường, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo v.v…".
Phấn khởi trước những thay đổi trên quê hương, Ông Y Ngăm Êban cư trú tại buôn Cuôr Đăng B nói: "Chính quyền địa phương luôn quan tâm trong việc phát huy dân chủ trong nhân dân, luôn công khai minh bạch những chủ trương chính sách của nhà nước và phối hợp tốt với nhân dân trong việc triển khai các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tuy bước đầu thực hiện chương trình còn khó khăn do một số người dân chưa hiểu hết lợi ích của chương trình Nông thôn mới nên không tham gia, nhưng do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến nay hầu hết người dân đều chấp hành và thực hiện rất tốt".
Điểm nổi bật của xã Cuôr Đăng trong việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đối với phong trào xây dựng nông thôn mới đó là: Cấp ủy và chính quyền địa phương luôn coi trọng việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của nhà nước, lợi ích của người dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, công khai minh bạch các kế hoạch, chương trình dự kiến đầu tư, nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ, dự kiến kinh phí đóng góp của nhân dân của từng dự án công trình để nhân dân biết; tổ chức họp để nhân dân bàn bạc, thống nhất các khoản chi phí, mức đóng góp, cách thức tổ chức thi công đảm bảo hợp lý và tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn dân cư, tổ chức cho nhân dân thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ trong thực thi công vụ luôn nâng cao ý thức thái đội phục vụ nhân dân, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề phát sinh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, triển khai thực hiện kịp thời, công bằng các chính sách an sinh xã hội, các nhu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Xã Cuôr Đăng đang vững bước phát triển với diện mạo mới, sức sống mới, cùng với niềm vui của nhân dân xã Cuôr Đăng đón chào những thành công bước đầu của xã nông thôn mới - thành quả của phong trào dân vận khéo và sự hưởng ứng, nỗ lực của người dân./.
Nguyễn Ngọc Giao