Thứ bảy, ngày 22 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 20/06/2017

Xã Ea M'nang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân thực hiện chương trình tái canh cà phê

Cà phê là cây trồng chủ lực của xã Ea M'nang. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn xã đã già cỗi, chi phí đầu tư cao, năng xuất kém. Vì vậy chính quyền và nhân dân xã Ea M'nang hiện đang tập trung triển khai thực hiện chương trình tái canh và bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Xã Ea M'nang hiện có 2.222 ha đất tự nhiên, trong đó có 754 ha đất trồng cây lâu năm, riêng diện tích cà phê chiếm tỷ lệ 86,6%. Cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện, người sản xuất cà phê ở xã Ea M'nang đang phải đối mặt với một số khó khăn như: đất đai bị thoái hóa, vườn cây bị già hóa, năng suất thấp, các loại dịch bệnh xuất hiện nhiều, khó chăm sóc. Trước thực tế đó, từ năm 2013 đến nay, xã Ea M'nang đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thay đổi phương thức sản xuất cà phê theo hướng bền vững như: Ghép chồi nhằm thay giống cũ bằng các giống mới cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Hoặc tái canh bằng cách nhổ bỏ những vườn cà phê già cỗi, thay thế bằng các giống cà phê mới. Kết quả từ năm 2013 đến nay, toàn xã đã thực hiện tái canh được trên 100 ha. Để tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện việc tái canh, xã Ea M'nang đã tiếp nhận 10 kg hạt giống cà phê và gần 61.000 cây cà phê giống để cấp cho người dân thực hiện việc trồng mới theo phương pháp thực sinh… Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Phương ở thôn 7 xã Ea M'nang được bà Phương cho biết: Gia đình bà có 1,2 ha đất trồng cà phê được trồng từ năm 1990. Do giống cà phê trước đây không được tốt, cho hạt nhỏ, chín không tập trung và đã già cỗi, cho năng xuất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Được sự vận động của chính quyền địa phương, đặc biệt là việc được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT, thấy nhiều gia đình thực hiện tái canh cà phê thành công, nên gia đình bà Phương quyết định thực hiện tái canh diện tích cà phê của gia đình mình bằng các giống mới như: TR7, TR 9, TR 11, TR 12. Đây là những giống cà phê mới, khả năng kháng bệnh tốt, cho năng xuất cao. Cũng theo lời bà Phương – do diện tích tái canh cà phê của gia đình lớn, nên gia đình bà thực hiện tái canh từng giai đoạn, mỗi giai đoạn từ 03 đến 05 sào và chọn nhiều loại giống để tái canh. Việc làm này một phần để tránh rủi ro do nguồn giống gây ra. Bên cạnh đó, gia đình bà Phương còn thường xuyên tham khảo ý kiến của cán bộ khuyến nông xã và các hộ tái canh trước để học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt là việc áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bà Phương chia sẻ - để cây cà phê tái canh phát triển tốt, người trồng cà phê không nên vội vàng trồng trên điện tích đất vừa nhổ bỏ cà phê già cỗi xong, vì vậy sẽ khiến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây cà phê thấp do đất bị lão hóa và mang nhiều nguồn nấm bệnh. Vì vậy, sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi, trong thời gian từ 01 đến 03 năm cần trồng các loại cây hoa màu ngắn để tạo độ xốp cho đất. Trước khi trồng cần làm tốt công tác xử lý đất, đặc biệt là việc xử lý tuyến trùng, nấm bệnh... Nhờ áp dụng triệt để các biện pháp KHKT, nên toàn bộ diện tích cà phê tái canh của gia đình bà Phương phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại. Niên vụ cà phê vừa qua, với diện tích 08 sào thu bói, gia đình bà Nguyễn Thị Phương ở thôn 7 xã Ea M'nang thu hoạch với sản lượng đạt gần 2,5 tấn cà phê nhân.  

Theo kế hoạch, mùa mưa năm 2017, xã Ea M'nang sẽ tiếp tục tái canh khoảng 35 ha và đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc tái canh 265 ha cà phê già cỗi trên địa bàn. Hiện nay, nhiều gia đình trên địa bàn xã Ea M'nang đang tiến hành nhổ bỏ diện tích cà phê già cỗi, xử lý đất và chuẩn bị giống để trồng.  

Để thực hiện công tác tái canh cà phê đạt kết quả cao, hiện nay xã Ea M'nang đang tập trung tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ KHKT-công nghệ, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chương trình IPM (chương trình quản lý dịch hại tổng hợp) trên cây cà phê. Đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật bón phân, sử dụng chế phẩm sinh học và các loại phân bón hữu cơ để thực hiện chương trình tái canh cà phê theo đúng kế hoạch đề ra./.

Công Phong

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang