XỬ LÝ TÌNH TRẠNG VẬN CHUYỂN, MUA, BÁN, SỬ DỤNG TRÁI PHÉP PHÁO DO BỘ QUỐC PHÒNG SẢN XUẤT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ČƯ M’GAR, TỈNH ĐẮK LẮK
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về quản lý, sử dụng pháo, song từ nhiều năm nay, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến, xuân về, tình trạng mua, bán, nhập lậu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước nói chung, huyện Čư M’gar nói riêng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trật tự.
Tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, quy định rõ việc nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Đồng thời quy định cụ thể loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là: Sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Quy định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định.
Tuy vậy, dạo quanh trên mạng xã hội Facebook, Zalo, không khó để có thể tiếp cận rất nhiều tài khoản rao bán các loại pháo nói chung, pháo hoa nói riêng rất công khai. Chỉ cần tìm từ khóa “pháo hoa 2022”, “pháo hoa Bộ quốc phòng”… trên mạng xã hội Facebook sẽ ra rất nhiều trang cá nhân và các hội, nhóm buôn bán pháo nổ với hàng nghìn thành viên, với những lời chào mời hấp dẫn, kèm theo hình ảnh, video hướng dẫn: bao rẻ giá rẻ nhất thị trường, không cần cọc, chỉ chốt đơn trên Zalo...
Trên địa bàn huyện Čư M’gar, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 14 tháng 12 năm 2022, tại khu vực bãi đất trống đối diện đại lý thu mua cà phê Thái Phúc, Buôn Sut M’grư, xã Cư Suê, huyện Čư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an phát hiện Trần Thị T.M (sinh năm1987; HKTT: Số nhà 40, đường Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk)có biểu hiện nghi vấn. Tiến hành kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện 01 thùng cát tông màu xám được dán kín bằng băng keo trong suốt có kích thước 33x26,5x19cm; kiểm tra bên trong thùng cát tông này có chứa 05 (năm) bệ pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất (loại 25 ống pháo) có hóa đơn bán lẻ của cửa hàng số 1 Hải Phòng (số 113, lô 27, Lê Hồng Phong, Hải Phòng) kèm theo. Đối tượng khai nhận toàn bộ số hàng trên là pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất do đối tượng mua lại từ một người không rõ nhân thân lai lịch và đang chuẩn bị bán số hàng này với số tiền 800.000 đồng/1 bệ pháo để kiếm lợi nhuận. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, những trường hợp cá nhân, tổ chức bán các loại pháo nói chung, pháo hoa nói riêng đều bị nghiêm cấm, người sử dụng không có hóa đơn của nơi bán đều bị xử lý theo quy định.
Cụ thể, Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ký ngày 31/12/2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.
Nghị định 144 cũng quy định mức phạt với các vi phạm về quản lý sử dụng pháo khác như sau:
Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với hành vi lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo không còn giá trị sử dụng.
Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo.
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
Vì vậy, người dân cần phải hiểu, phân biệt rõ giữa pháo hoa (được phép sử dụng) và pháo hoa nổ (không được phép sử dụng); chỉ mua pháo hoa tại các điểm bán được Nhà nước cấp phép. Chỉ người mua có tên trong hóa đơn và gia đình được sử dụng, nghiêm cấm mua và bán lại, cho, tặng.
Bên cạnh việc nói “không” với pháo lậu, để phục vụ nhu cầu chính đáng của mình, người dân hãy tìm hiểu rõ các quy định pháp luật trước khi vận chuyển, mua bán và sử dụng các loại pháo, cũng như pháo hoa được phép sử dụng, để tránh gặp những rắc rối liên quan đến pháp lý và đón Tết, vui Xuân an lành, hạnh phúc bên gia đình, bạn bè, người thân./.
Công Sơn - CAH