Canh tác trên ruộng bậc thang giúp nông dân ổn định cuộc sống
Ông Hứa Chấn Trí – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Cư M'gar cho biết: Diện tích ruộng bậc thang chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 2.400ha lúa nước trên địa bàn toàn huyện, nhưng đã góp phần ổn định lương thực cho bà con các buôn làng. Trước đây người dân thường gieo sạ đúng vụ nên thường bị khô hạn ở vụ lúa đông xuân, nhờ sự tư vấn của cán bộ ngành nông nghiệp, khuyến nông các cấp, bà con đã chủ động gieo sạ sớm hơn, vì vậy nhiều diện tích lúa nước không bị khô hạn.
Ruộng bậc thang ở huyện Cư M'gar được bà con các dân tộc cải tạo trên các triền đồi dốc thoai thoải nằm chủ yếu ở các xã Quảng Hiệp, Ea M'droh, Ea Tar, TT Ea Pốk và đặc biệt là xã Cư M'gar.
Những diện tích đất ấy trước đây bà con chỉ trồng lúa cạn 1 vụ cho năng xuất kém hoặc bỏ đất trống để chăn thả gia súc. Nhờ chính quyền các cấp hỗ trợ, đầu tư hệ thống thuỷ lợi dẫn nước, bà con các buôn làng đã cải tạo được ruộng bậc thang mang hình dáng riêng của miền đất đỏ bazan ngày càng nhiều hơn từ những quả đồi trọc hoang vu. Nhờ đó, ruộng bậc thang đã đem lại nhiều giá trị cho nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, giúp bà con thêm no ấm, đời sống được nâng lên.
Ruộng bậc thang ở huyện Cư M'gar bắt đầu hình thành cách đây hơn 20 năm, do bà con dân tộc Tày, Nùng di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đây khai hoang lập nghiệp, bà con đã cải tạo những quả đồi dốc thành ruộng bậc thang đẹp mắt, góp phần mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước. Dần dần, các dân tộc bản địa đã học hỏi, cải tạo đất đồi thành ruộng bậc thang ngày càng nhiều thêm. Hầu hết các dân tộc thiểu số ở nước ta đều có chung quan niệm "trong nhà lúc nào cũng có lúa gạo sẽ không lo bị đói". Khác với ruộng bậc thang ở Tây Bắc chỉ dùng trâu, bò để cày, bừa, thậm chí có thửa hẹp quá chỉ dùng sức người cuốc xới đất, còn ruộng bậc thang ở Cư M'gar không quá hẹp, địa hình lại thoai thoải nên bà con vẫn sử dụng máy cày để làm đất và thu hoạch vận chuyển bằng xe công nông thuận lợi, đỡ tốn công sức hơn.
Những ngày đầu tháng 3, Tây nguyên bước vào mùa khô hạn khốc liệt, đồng khô cỏ cháy, chúng tôi tình cờ đi ngang qua buôn Húk B, xã Cư M'gar. Trên con đường nhựa liên xã dễ dàng chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang trùng điệp hiện ra hai bên đường, lúa đang độ chín vàng óng ả. Trái với hình ảnh ở nhiều địa phương thời gian này lúa đang độ phát triển nhưng do thiếu nước nên đã khô héo, bà con đành "thu hoạch sớm" về làm thức ăn cho trâu bò. Tận mắt chứng kiến ruộng bậc thang ở buôn Húk B, ai cũng liên tưởng đến mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang của núi đồi Tây Bắc. Ruộng được bà con cải tạo chạy dài theo triền đồi nhấp nhô, uốn lượn, uyển chuyển theo những cung bậc của núi đồi nơi đây. Mùa này khắp nơi khô hạn nhưng ruộng ở buôn Húk B lúa đã chín rộ nên bà con gặt hái ai cũng vui mừng. Đặt vội bó lúa trĩu bông trên vai xuống bên máy tuốt, ông Y Chiêng Niê (SN 1975) trú tại buôn Húk B cho biết: "Người dân buôn tôi thường tập trung cấy lúa ngay khi mùa mưa bắt đầu, lúc các con suối đã có nước dẫn về ruộng, ở đây bà con mỗi năm thường làm 2 vụ lúa nước trên ruộng bậc thang. Tháng 3 hàng năm nắng hạn, suối cạn trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ, cũng là lúc lúa vụ 2 đã chín nên không bị ảnh hưởng đến năng suất mà còn dễ dàng phơi phóng, 2 sào ruộng nhà tôi thu hoạch đủ ăn quanh năm, không lo thiếu đói".
Đến khu rừng nguyên sinh đồi Cư H'lâm ở thị trấn Ea Pốk khách phương xa sẽ bị mê hoặc bởi những thửa ruộng bậc thang độc đáo, nhấp nhô, sử dụng nguồn nước chủ yếu từ đồi ngẫm xuống. Vẻ đẹp nguyên sinh, hùng vĩ của cây cối trên đồi Cư H'lâm, cộng với hình ảnh ruộng bậc thang uốn lượn theo chân đồi đã tạo nên một bức tranh thiên nghiên đẹp mắt và một làng quê trù phú có ruộng bậc thang, vườn cà phê tươi tốt. Chị Huỳnh Thị Thu Thủy (SN 1985), công tác tại Công ty cà phê Ea Pốk tâm sự: "Đồi Cư H'lâm thuộc Công ty cà phê Ea Pốk quản lý, bảo vệ, thỉnh thoảng mấy chị em trong cơ quan thường đến chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang bên buôn làng yên bình khiến lòng tôi lưu luyến, dù công việc bận rộn đến mấy vẫn nhớ về buôn, nơi có cánh đồng làm ra lúa gạo nuôi sống buôn làng".
Bằng sự cần cù chịu khó, bà con các dân tộc trong huyện đã cải tạo được nhiều diện tích đất đồi dốc thành những thửa ruộng bậc thang không chỉ độc đáo, đẹp mắt, mang những nét đặc trưng riêng của ruộng bậc thang Tây Nguyên, mà còn góp phần mở rộng diện tích trồng lúa nước, tăng sản lượng thu hoạch lúa hàng năm không lo thiếu đói./.