Cây mắc ca - hướng phát triển kinh tế mới ở Quảng Hiệp
Với những ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, giá bán và đầu ra tương đối thuận lợi, những năm qua, nhiều hộ gia đình nông dân ở xã Quảng Hiệp đã mạnh đầu tư trồng thử nghiệm cây mắc ca. Hướng đi này bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho người sản xuất, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Năm 2014 anh Đặng Ngọc Hòa ở thôn Hiệp Tiến (xã Quảng Hiệp) đã mạnh dạn đưa cây mắc ca vào trồng và anh là một trong những người đầu tiên đưa cây mắc ca về trồng thử nghiệm. Ban đầu anh Hòa trồng xen mắc ca trong vườn cà phê và hồ tiêu, sau khi thấy hiệu quả của loại cây này mang lại, anh Hòa đã quyết định nhổ bỏ toàn bộ diện tích cà phê, hồ tiêu để trồng cây mắc ca theo hướng chuyên canh. Nhờ dày công chăm sóc, chịu khó tìm hiểu KHKT, nên vườn mắc ca của gia đình anh Hòa sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất tương đối cao. Hơn 130 cây mắc ca được trồng trong vườn, năm nay gia đình anh Hòa thu được hơn 03 tấn quả tươi, với giá tiểu thương thu mua tại vườn 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Hòa thu lãi khoảng 120 triệu đồng…
Cây mắc ca đã và đang mang lại nhiều triển vọng ở xã Quảng Hiệp
Còn anh Ngô Tấn Huy ở thôn Hiệp Hưng (xã Quảng Hiệp) sau khi tìm hiểu, khảo sát tại một số vườn cây ở địa phương, năm 2014 anh Huy đã quyết định đầu tư trồng 50 cây mắc ca xen trong vườn cà phê và hồ tiêu của gia đình. Do trồng xen nên năng suất cây mắc ca thấp hơn so với trồng thuần, tuy nhiên nhiên với giá thu mua ổn định, trung bình mỗi cây mắc ca cũng mang về cho gia đình anh Huy lợi nhuận gần 01 triệu đồng.
Cây mắc ca bắt đầu “bén rễ” ở đất Quảng Hiệp từ gần chục năm trước, chủ yếu được trồng xen canh trong các vườn cà phê, hồ tiêu hay những diện tích cây trồng kém hiệu quả, chỉ có một số ít được trồng theo hướng chuyên canh. Để mang lại hiệu quả, người trồng mắc ca ở xã Quảng Hiệp đã chủ động tìm hiểu, áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ vào canh tác, đưa các loại giống mới cho năng suất và chất lượng cao vào sản xuất. Đến nay một số hộ gia đình đã áp dụng biện pháp sấy khô quả để bán được giá cao hơn. Địa bàn xã Quảng Hiệp hiện có khoảng 05 ha cây mắc ca (quy thuần) đang cho thu hoạch với năng suất tương đối ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người sản xuất. Giá mắc ca được các thương lái thu mua tại vườn hiện dao động từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg quả tươi, bình quân mỗi cây mắc ca hằng năm cho lợi nhuận khoảng 01 triệu đồng. Đây là tín hiệu khả quan để địa phương hoạch định mục tiêu cụ thể trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây mắc ca trở thành loại cây kinh tế bền vững.
Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, hiện nay cây mắc ca đã mở ra hướng đi mới trong phát triển nông - lâm nghiệp ở xã Quảng Hiệp. Tuy nhiên để cây mắc ca phát triển bền vững, cải thiện thu nhập cho người sản xuất - địa phương và ngành nông nghiệp của huyện cần tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả kinh tế, môi trường khi phát triển cây mắc ca, bởi mắc ca là cây lâm nghiệp. Đồng thời chuyển giao các tiến bộ KHKT-công nghệ, nhất là giống và kết nối tạo đầu ra ổn định cho cây mắc ca để bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất./.
-S.Pa-