Chủ nhật, ngày 16 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 22/11/2024

Hiệu quả mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản tại buôn Kroa A (xã Ea Drơng)

    Nhờ đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về “Đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp” - thời gian qua nhiều Chi hội, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp trên địa bàn huyện đã được thành lập và đi vào hoạt động khá hiệu quả. Qua đó giúp bà con nông dân liên kết sản xuất, mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần trong công tác giảm nghèo ở địa phương, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản tại buôn Kroa A, xã Ea Drơng. 

 Từ 02 cặp dê cỏ sinh sản ban đầu, đến nay gia đình chị H'Lê Na Adrơng ở buôn Kroa A (xã Ea Drơng) đã có đàn dê với số lượng hàng chục con, giúp gia đình có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Chị H'Lê Na Adrơng cho biết: Được sự tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân xã, năm 2021 chị tham gia vào mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản của buôn. Khi tham gia mô hình, chị được tham gia tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, cách phòng chống các loại dịch bệnh. Đồng thời chị còn được tiếp cận vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện. Hằng năm gia đình cho xuất chuồng từ 02 đến 03 đợt, mỗi đợt 10 con dê thịt, sau khi trừ chi phí đầu tư thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Chi H'Lê Na Adrơng ở buôn Kroa A (xã Ea Drơng) nói: Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã tôi đã tham gia vào Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê của buôn. Qua đó tôi được tiếp cận nguồn vốn vay để mua giống dê mới, cải tạo lại chuồng trại, được tham gia tập huấn kỹ thuật trong chăn nuôi nên đàn dê phát triển tốt, khỏe mạnh. Từ việc bán dê gia đình có thêm thu nhập ổn định hơn, có chi phí trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó gia đình cón có nguồn phân chuồng dồi dào để bón cho các loại cây trồng, giảm chí phí trong sản xuất…

22.11.3

Chị H Lê Na  tập trung chăm sóc đàn dê

Tương tự, chị H'Bion Niê ở buôn Kroa A (xã Ea Drơng) có thêm thu nhập ổn định cuộc sống từ việc chăn nuôi dê. Chị H'Bion Niê tâm sự: Sau khi tham gia mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản của buôn, chị được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, và còn được vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện. Từ nguồn vốn này chị đã đầu tư làm chuồng trại, mua thêm được 02 cặp dê sinh sản về nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó chăm sóc, nên đàn dê phát triển tốt, vài tháng sau đã sinh sản. Vì vậy cứ khoảng 03 đến 04 tháng chị lại cho xuất chuồng 01 lần với mỗi đợt xuất từ 07 đến 08 con dê thịt, trọng lượng bình quân từ 20 đến 25kg/con. Tùy theo giá thị trường chị có thêm thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng. Đến nay chị đã hoàn trả vốn vay ban đầu và có thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi dê sinh sản. Chị H'Bion Niê ở buôn Kroa A (xã Ea Drơng) tâm sự: Khi tham gia vào Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi dê của buôn gia đình được vay vốn để mua con giống, xây dựng chuồng trại, được tiếp cận KHKT để chăn nuôi dê khỏe mạnh. Gia đình thường tranh thủ sau khi đi làm về thì đi cắt cỏ cho dê ăn. Từ chăn nuôi dê kinh tế gia đình đã phát triển hơn trước rất nhiều.

Mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản ở buôn Kroa A (xã Ea Drơng) được thành lập từ tháng 04/2021 với 10 thành viên tham gia. Các thành viên được Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn KHKT trong chăn nuôi, tạo điều kiện cho vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Định kỳ hằng tháng, các thành viên trong Chi hội tổ chức sinh hoạt 01 lần để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh, tìm và giới thiệu đầu ra cho sản phẩm. Các thành viên trong Chi hội còn tích cực hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập bằng nhiều phương thức như: hỗ trợ KHKT, hỗ trợ con giống, tiền mặt với tổng trị giá đến nay đạt hơn 30 triệu đồng. Khi tham gia mô hình, các thành viên có thêm điều kiện để mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo thêm thu nhập ổn định cho mỗi thành viên hằng năm dao động từ 50 đến 80 triệu đồng. Hiệu quả từ mô hình mang lại, đến nay Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê ở buôn Kroa C (xã Ea Drơng) đã phát triển lên thành 35 thành viên, mỗi thành viên chăn nuôi từ 10 đến 35 con dê. Chị H'Zang Niê - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Drơng cho biết thêm: Chi Hội hoạt động rất là tốt, tạo thu nhập và công ăn việc làm ổn định cho bà con. Chi hội tập hợp được hội viên nông dân có cùng ý chí làm ăn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao KHKT, đặc biệt là tiếp cận với với nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển chăn nuôi. Đồng bào dần hiểu rõ nếu làm chuồng trại cố định thì mình chỉ cần cắt cỏ về, trong một ngày thì mình chia làm những bữa ăn cho dê, rất thuận tiện. Vì vậy hầu hết đồng bào không thả rông, tận dụng tối đa những mảnh trống để trồng cỏ chăn nuôi dê. Đến nay trên địa bàn xã Ea Drơng các hộ nông dân đang chủ động đầu tư nhân rộng mô hình.

Mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp đã tạo lợi nhuận, tạo công ăn việc làm, cải thiện kinh tế cho các thành viên, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê ở buôn Kroa A (xã Ea Drơng) là một trong những Chi hội Nông dân nghề nghiệp tiêu biểu được Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk biểu dương, khen thưởng 03 năm liên tục (năm 2022, 2023 và 2024). Hiện nay Hội Nông dân xã Ea Drơng tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và nhân rộng mô hình, trong đó chú trọng tập trung khai thác nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của cấp trên, hỗ trợ hội viên tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng KHKT vào chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình bền vững./.

H'Xiu ÊBan 

 

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang