Chàng trai Ê đê học xong đại học về buôn làm giàu
Tốt nghiệp Đại học khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Tây Nguyên năm 2011, cũng như bao sinh viên mới ra trường, chàng trai Ê đê Y Linh Niê (SN 1988), ở thôn 4, thị trấn Ea Pốk nộp không biết bao nhiêu bộ hồ sơ xin việc làm đến các cơ quan, đơn vị. Nhưng chẳng nơi nào hồi âm, những tháng ngày ở nhà đợi việc làm, anh đọc trên sách báo thấy nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Y Linh quyết tâm sẽ phát triển kinh tế hộ gia đình ngay tại quê hương.
Y Linh nhận thấy diện tích gần 1 héc-ta đất vườn cà phê của bố mẹ đã già cỗi cho năng xuất kém. Anh quyết định nhổ bỏ rồi thuê máy cày ải đất và trồng hoa cúc. Vụ đầu tiên, Y Linh nhập gần 2.000 cây giống và chỉ dựa vào kinh nghiệm trồng trọt truyền thống bản địa để chăm sóc, cộng với khâu chọn giống không phù hợp với thổ nhưỡng nên cây cúc bị nhiễm bệnh và không ra hoa... Hai vụ tiếp theo, mặc dù Y Linh cũng đã rút kinh nghiệm từ vụ đầu nhưng sau khi thu hoạch xong trừ chi phí vẫn lỗ.
Sau 3 vụ hoa đều thất bại, Y Linh định bỏ cuộc không làm nữa nhưng được gia đình động viên, người vợ ủng hộ và cán bộ đoàn tạo điều kiện cho anh vay vốn khởi nghiệp, Y Linh mạnh dạn trồng vụ hoa thứ 4. Được vay vốn từ Quỹ khởi nghiệp, lại được cán bộ đoàn chỉ bảo tận tình, Y Linh khăn gói sang tận TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để học tập về kỹ thuật trồng hoa chứ không trồng theo kinh nghiệm của buôn làng như trước nữa. Y Linh đã chọn được loại giống phù hợp với thổ nhưỡng của Đắk Lắk, sử dụng phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật một cách khoa học... Lứa hoa cúc thứ 4 đã thành công và cho thu lãi sau khi trừ chi phí là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với Y Linh.
Hiện nay mỗi tháng Y Linh thu hoạch 2 vụ hoa cúc, mỗi vụ khoảng 100m2, sau khi trừ chi phí anh còn lãi gần 10 triệu đồng mỗi vụ. Bên cạnh trồng hoa, anh còn trồng tiêu, nuôi thêm bò sinh sản, vịt xiêm và đàn heo rừng. Nâng tổng thu nhập hàng năm lên trên 200 triệu đồng.
Y Linh chia sẻ: "Phế phẩm từ hoa cúc sau mỗi vụ thu hoạch rất nhiều như cành, lá nếu bỏ đi sẽ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Vì vậy tôi đã mua bò để nuôi, sử dụng phân chuồng để ủ sau 3 tháng cành lá sẽ mục hoai đem bón cho hoa cải tạo đất không bị bạc màu, tận dụng được nguồn dinh dưỡng lớn".
Chị H' Băn Êban - Phó Bí thư đoàn thị trấn Ea Pốk cho biết: Nhờ sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi Y Linh đã xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi trên diện tích đất hẹp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là một tấm gương để thanh niên địa phương học hỏi".
Trung Hải