Chuyển biến sau 15 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Cư M’gar
Trong 15 năm qua, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" ở huyện Cư M'gar được triển khai rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong phong trào thi đua lao động sản xuất, các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa có những chuyển biến tích cực, đã thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa tăng theo từng năm. Năm 2007, toàn huyện có 27.042 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 83,24% số hộ trên địa bàn, đến nay số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa đã tăng lên 31.788 hộ, chiếm tỷ lệ 86,2%. Cùng với đó, phong trào xây dựng "Thôn, buôn, tổ dân phố và cơ quan, đơn vị văn hóa" cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ngày càng được bảo tồn và phát huy
Đến cuối năm 2015, toàn huyện đã có 100% các khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước được UBND huyện phê duyệt thực hiện; 131/189 thôn-buôn-tổ dân phố đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ gần 70% số thôn-buôn-tổ dân phố trên địa bàn. Từ phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân. Đến nay, toàn huyện có 145/189 khu dân cư xây dựng được cổng chào văn hóa; 113 khu dân cư xây dựng được hội trường-nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 05/17 xã-thị trấn có nhà dệt thổ cẩm truyền thống; 13/17 xã-thị trấn có Bưu điện văn hóa. Các hương ước, quy ước ở các khu dân cư được thực hiện tốt và đã phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ trong việc giáo dục con cháu. Hoạt động khuyến học-khuyến tài được các dòng họ quan tâm chú trọng và đặc biệt là ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của nhân dân ngày càng được nâng cao. Phong trào văn hoá, văn nghệ ngày càng phát triển sôi nổi, tạo điều kiện cho người dân có những sân chơi lành mạnh, bổ ích. Hầu hết các địa phương đều thành lập được các đội văn nghệ, các đội thể thao.
Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã có những bước phát triển về cả số lượng và chất lượng, tỷ lệ người tham gia tập luyện thể thao tăng dần theo hàng năm. Việc thực hiện nếp sống văn minh theo tinh thần Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị khóa VIII và Chỉ thị số 24 của Tỉnh ủy trong việc cưới, việc tang, lễ hội được người dân thực hiện nghiêm túc. Hầu hết các các lễ hội truyền thống được tổ chức nề nếp, lành mạnh, tiết kiệm, các phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi, nhiều giá trị văn hóa tuyền thống của dân tộc được giữ gìn và phát huy.
Tính đến nay, toàn huyện còn lưu giữ được trên 250 ngôi nhà dài truyền thống, 47 bến nước, 49/71 buôn có cồng chiêng, với 265 bộ chiêng, trong đó có 62 bộ chiêng quý trên 100 tuổi; 07 nghệ nhân kể khan, 551 nghệ nhân dệt thổ cẩm, có 560 nghệ nhân sử dụng chiêng và 25 đội chiêng trẻ; 47 chiếc trống; 76 ghế Kpal và hàng trăm loại nhạc cụ dân tộc độc đáo khác. Nhiều lễ hội truyền thống cũng được lưu giữ, tổ chức thường xuyên như: Lễ cầu mưa, lễ cúng lúa bến nước của người ÊĐê; lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng; lễ cúng lúa mới của đồng bào Thái…
Phát huy những kết quả đạt được, huyện Cư M'gar phấn đấu đến năm 2020 có 92% hộ gia đình và 80% thôn-buôn-tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa; 95% có quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; số người tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 25%; 70% xã đạt chuẩn "Văn hóa nông thôn mới" và 50% thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị ./.
S.Pa