Hệ lụy của nạn tảo hôn ở huyện CưM’gar
Trong những năm qua, nạn tảo hôn, hay còn gọi là kết hôn sớm diễn ra khá phổ biến trên địa bàn huyện CưM'gar, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Lấy nhau khi chưa đủ tuổi trưởng thành đã dẫn đến nhiều hệ lụy đối với cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ.
Cán bộ dân số tuyên truyền trực tiếp tại gia đình người dân
Khi đứa con được 01 tháng tuổi, cũng là lúc chồng H.T ở xã CưM'gar bỏ đi về nhà bố mẹ đẻ sống. Lý do chia tay được cả hai đưa ra chỉ vỏn vẹn ở 03 chữ, không hợp nhau. Từ ngày chia tay, H.T từ một cô gái vốn hay nói cười giờ đây đã trở nên trầm cảm, ít nói, ngại tiếp xúc với mọi người, nhất là đối với người lạ. H.T hiện mới 18 tuổi nhưng đã làm vợ được hai năm nay. Chồng H.T cùng tuổi, cô cậu quen nhau khi Y.D đến làm công cho gia đình. Sau một thời gian, tìm hiểu và yêu nhau, H.T và Y.D nên duyên vợ chồng. Từ đó, việc học hành của H.T phải bỏ dở giữa chừng dù khi chỉ còn một tháng nữa là học xong THCS. Chồng bỏ về nhà, giờ đây cuộc sống của bà mẹ trẻ này hoàn toàn dựa vào bố mẹ.
Cách đây khoảng 01 năm, con gái đầu của anh Y.K ở xã EaKuêh là H'Kh đã kết hôn với Y.T ở huyện EaH'leo. Điều đáng nói là giữa H'Kh và chồng có quan hệ họ hàng, là chị em. Hiện H'Kh mới 15 tuổi, cũng là "cô dâu" nhỏ tuổi nhất ở xã. Lấy nhau khi còn quá nhỏ, cặp vợ chồng trẻ này thường xảy ra mâu thuẫn với những lý do rất "trẻ con". Có lần vì quá giận chồng, H'Kh đã uống thuốc sâu tự tử nhưng may được cứu chữa kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng...
Nạn tảo hôn đã có từ nhiều năm trước đây. Hình ảnh những cặp vợ chồng "trẻ con" có thể dễ dàng thấy ở các xã thị trấn trong huyện, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, các xã, thị trấn đã có rất nhiều biện pháp, nhằm ngăn chặn tình trạng nảo hôn nhưng tình trạng này vẫn diễn ra và đang có chiều hướng gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy buồn.
Theo thống kê của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, chỉ tính từ năm 2013 – 2015 trên địa bàn huyện đã ghi nhận 298 trường hợp tảo hôn (bình quân mỗi năm có 99 cặp tảo hôn), trong đó có nhiều trường hợp hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt có trường hợp còn tổ chức đám cưới rình rang. Nạn tảo hôn xảy ra ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện nhưng tập trung nhiều tại các địa bàn như: xã EaH'Đing, Quảng Hiệp, EaTar, CưM'gar, CưSuê, xã EaKuêh và xã EaDrơng.
Có thể nói, phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn đều có cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, và mãi luẩn quẩn trong cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, thiệt thòi nhất có lẽ là những đứa trẻ sinh ra không được đăng ký giấy khai sinh mà phải đợi đến khi bố mẹ đủ tuổi kết hôn./.
-Bài, ảnh: S.Pa-