Thứ sáu, ngày 21 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 16/09/2022

Hội LHPN xã Ea M'nang tích cực trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập

Nhằm góp phần cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững - những năm qua, Hội LHPN xã Ea M'nang luôn tích cực trong các hoạt động hỗ trợ hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.

Chị Phạm Thị Ngọc Trang (áo vàng), Chủ tịch Hội LHPN xã Ea M'nang thăm mô hình phát triển kinh tế

của gia đình chị Trần Thanh Huyền

 

Gia đình chị Trần Thanh Huyền ở thôn 8 (xã Ea M'nang) có 02 ha đất sản xuất. Trước đây trên diện tích này, gia đình chị chỉ trồng độc canh cà phê, vài năm sau đầu tư trồng xen thêm 400 trụ hồ tiêu. Những năm trước, khi giá thành hồ tiêu trên thị trường tăng cao đã giúp gia đình chị có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm (sau khi đã trừ chi phí đầu tư). Tuy nhiên những năm gần đây, khi giá nông sản trên thị trường giảm mạnh, đặc biệt là hồ tiêu và cà phê đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của gia đình. Từ thu nhập bấp bênh, vợ chồng chị Huyền đã bàn bạc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, học tập, tìm hiểu kinh nghiệm và KHKT-công nghệ để áp dụng vào sản xuất. Năm 2017 gia đình chị Huyền đã mạnh dạn tái canh 05 sào cà phê già cỗi được trồng từ năm 1994 sang giống cà phê vối TR11, đồng thời lần lượt đầu tư trồng xen trong vườn cà phê thêm 100 cây bưởi da xanh, 100 cây na và 130 cây sầu riêng giống Donatechno. Bên cạnh cải tạo vườn cây, đa dạng hóa sản phẩm, gia đình chị Huyền còn đầu tư đào ao nuôi cá với diện tích mặt nước khoảng 1.500 m2 và nuôi thêm dê, thêm gà để cải thiện thu nhập. Với sự cần cù, kinh nghiệm thực tế và tích cực tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT-công nghệ do Hội LHPN xã tổ chức, những năm qua vườn cây và đàn vật nuôi gia đình chị Huyền luôn phát triển tốt. Từ lao động sản xuất, bình quân hằng năm sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình chị Huyền thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng. Chị Trần Thanh Huyền ở thôn 8 xã Ea M'nang tâm sự: Ngày xưa gia đình chỉ trồng mỗi cây cà phê. Mình đi học hỏi, tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả rồi về làm theo. Mình phát triển dần dần từ việc trồng các loại cây ăn trái, nuôi thêm con gà, con cá, chăn nuôi dê. Đa dạng hóa sản phẩm cho thu nhập nhiều hơn, có thu quanh năm để trang trải cuộc sống gia đình.

Cũng như gia đình chị Huyền, gia đình chị Đỗ Thị Dữ ở thôn Bình Hòa (xã Ea M'nang) cũng có thu nhập ổn định sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chị Dữ cho biết: Gia đình có 02 ha đất sản xuất, trong đó có 04 sào ruộng lúa. Trước đây gia đình trồng độc canh cà phê với diện tích 1,6 ha, đến năm 2013 gia đình chuyển toàn bộ diện tích cà phê sang trồng độc canh cây hồ tiêu. Nhưng vài năm sau đó toàn bộ diện tích hồ tiêu của gia đình bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Thất bại trong việc trồng hồ tiêu, đến năm 2015 gia đình chị quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại mua bò giống siêu thịt về chăn nuôi. Nhờ áp dụng KHKT trong việc chăm sóc và phòng bệnh nên đàn bò của gia phát triển nhanh, ban đầu chỉ có 04 con bò giống, đến nay gia đình chị đã phát triển được 20 con, trong đó có 13 con bò cái sinh sản. Để đáp ứng thức ăn cho bò, chị đã mạnh dạn phá bỏ vườn hồ tiêu trồng 06 sào cỏ và 01 ha chuyên trồng ngô lai để cải thiện thu nhập. Từ việc chăn nuôi và thu nhập từ ngô lai đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm (sau khi đã trừ chi phí đầu tư). Chị Đỗ Thị Dữ ở thôn Bình Hòa (xã Ea M'nang) chia sẻ: Trước kia gia đình mình trồng cà phê với hồ tiêu nhưng dần dần vườn cây bị nhiễm bệnh và chết, nên gia đình chuyển đổi sang chăn nuôi bò. Lúc đầu vợ chồng mình mần mò học hỏi KHKT để chăn nuôi, đàn bò dần phát triển ít bệnh tật, có thu nhập ổn định cuộc sống.

Hiện nay xã Ea M'nang hiện có trên 2.000 chị em phụ nữ rộng rãi, trong đó có 1.400 chị em tham gia sinh hoạt Hội. Là địa bàn thuần nông, đời sống của chị em chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng như: cà phê, hồ tiêu, lúa nước và các loại cây hoa màu. Thời gian trước đây, phần lớn gia đình chị em chỉ trồng độc canh cây cà phê nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh. Nhằm hỗ trợ, giúp chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua Hội LHPN xã Ea M'nang đã tuyên truyền vận động chị em học tập KHKT-công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng-vật nuôi phù hợp, chủ động xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất do chị em làm chủ, vận động thành lập các tổ vay vốn tiết kiệm để hỗ trợ, giúp nhau xây dựng kinh tế gia đình. Với sự tư vấn, hỗ trợ của tổ chức Hội, đa số chị em được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, từng bước mang lại hiệu quả, cải thiện thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Chị Phạm Thị Ngọc Trang - Chủ tịch Hội LHPN xã Ea M'nang cho biết thêm: Để chị em phát triển kinh tế hiệu quả, thời gian qua Hội LHPN xã đã hỗ trợ cho chị em vay các nguồn vốn từ nguồn vốn tiết kiệm của Hội, quỹ góp vốn xoay vòng, vận động phối hợp trao các mô hình "sinh kế" nuôi dê sinh sản để hội viên hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận chăn nuôi. Hội còn tổ chức cho chị em tham quan, học tập KHKT, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để về áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, cải thiện thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.

Với nhiều hoạt động hỗ trợ, cách làm hay và hiệu quả của tổ chức Hội, cùng sự năng động, sáng tạo và phù hợp trong phát triển kinh tế của chị em, không những giúp nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn trước đây thoát nghèo, có tích lũy tái đầu tư sản xuất mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Vì vậy đến nay xã Ea M'nang chỉ còn 14 gia đình do hội viên làm chủ hộ thuộc diện hộ nghèo, giảm 13 hộ so với năm 2015./.

 

H'Xiu Êban

 

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang