Huyện Cư M’gar: Tổ chức nói chuyện chuyên đề mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2017
Thực hiện Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 01/3/2017 của UBND huyện Cư M'gar "Kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020". Nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Cư M'gar trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Vừa qua Trung tâm Dân số đã phối hợp với Phòng truyền thông, Chi cục Dân số tỉnh Đăk Lăk tổ chức 02 buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh tại xã Ea Kiết và xã Ea H'đing. Có trên 100 đối tượng tham gia gồm vị thành niên – thanh niên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng có con một bề là gái, các cộng tác viên dân số tại địa phương.
Trong 06 tháng đầu năm 2017, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Cư M'gar có dấu hiệu gia tăng trở lại (121 nam/100 nữ), năm 2016 là 106 nam/100 nữ, trong đó 2 địa bàn có tỷ số giới tính khi sinh nằm ở top cao nhất, nhì huyện là xã Ea Kiết (190 nam/100 nữ), Ea Hđing (176 nam/100 nữ). Đến tham gia buổi nói chuyện, các đối tượng được tuyên truyền các nội dung về Luật bình đẳng giới, Luật Hôn nhân & Gia đình, thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra cũng như một số giải pháp can thiệp trong thời gian tới, trong đó mấu chốt là thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới trong cuộc sống nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng. Mặc dù trình độ dân trí ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, quan niệm về sinh con của người dân có phần thoáng hơn, tuy nhiên trong suy nghĩ của nhiều người vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, vẫn còn quan niệm "sinh con trai nối dõi tông đường" ở người Kinh và sinh con gái để được chăm sóc, nhờ cậy lúc về già ở người Ê Đê... chính vì vậy dù biết lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh là vi phạm pháp luật, tuy nhiên nhiều cặp vợ chồng cũng như các phòng khám, cơ sở y tế tư nhân vẫn lách luật, cung cấp giới tính thai nhi cho đối tượng qua các cách nói ví von khác nhau, đồng thời hỗ trợ các can thiệp để sinh con theo ý muốn như canh trứng, lựa chọn tinh trùng, theo lịch vạn niên, phá bỏ thai nhi khi không theo ý muốn...gây không ít khó khăn cho công tác tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền.
Dẫu ai cũng biết rằng con cái là của trời cho, tuy nhiên ai cũng muốn phải có được cả con trai, con gái mới yên lòng, đây là suy nghĩ chung của tất cả mọi người dù có muốn nói ra hay không. Do vậy, để thay đổi được suy nghĩ mà nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức từ xưa đến nay là vấn đề không hề dễ dàng, nên trong thời gian tới ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt bình đẳng giới, không phân biệt đối xử giữa nam, nữ, thì các cơ quan quản lý về y tế cũng cần phải thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở y tế vi phạm về lựa chọn giới tính khi sinh. Bên cạnh đó các chính sách chăm sóc, an sinh cho người cao tuổi cũng cần phải thực hiện tốt hơn để họ giảm bớt phần nào suy nghĩ dựa vào con cái. Có như vậy thì việc giảm mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Cư M'gar nói riêng, tỉnh Đăk Lăk nói chung mới thực sự thành công./.
Đình Quân