Huyện Čư M'gar: tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn biến phức tạp
Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nhưng đến nay tình trạng tảo hôn ở huyện Čư M'gar vẫn đang còn diễn ra âm ỉ, nhất là trong vùng đông bào dân tộc thiểu số. Qua đó tiềm ẩn nhiều hệ lụy, nhất là việc suy giảm về sức khỏe, suy giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng đến giống nòi trong tương lai.
Đang học lớp 9, nhưng em H.R. Kbuôh (sinh năm 2008) ở buôn K'dróh (xã Ea Tar) đã có thai ngoài ý muốn với một thanh niên cùng buôn. Lo sợ, thời gian đầu cả 02 giấu bố mẹ, đến khi thai được khoảng 05 tháng tuổi, không thể giấu được nữa nên mới nói chuyện với gia đình và buộc bố mẹ phải nhanh chóng tác hợp. Không tổ chức đám cưới ồn ào, đôi trẻ tự dọn về ở chung với nhau và khoảng 02 tháng nữa H.R Kbuôh sẽ làm mẹ khi mới chỉ 15 tuổi. Điều đáng nói trường hợp như H.R Kbuôh không phải là hiếm ở các địa phương trong huyện...
Cán bộ dân số xã Ea Tar (trái) đang tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ cho người dân
Hiện nay huyện Čư M'gar có hơn 197.000 nhân khẩu với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 47%. Tình trạng tảo hôn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây và đã để lại hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và là gánh nặng cho xã hội. Để hạn chế tình trạng tảo hôn, những năm qua huyện Čư M'gar đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng phong phú như: Tuyên truyền bằng xe lưu động, phát băng tuyên truyền chính sách dân số/KHHGĐ; tổ chức nói chuyện chuyên đề về công tác dân số/KHHGĐ; tuyên truyền thông qua các buổi họp nhóm, lồng ghép sinh hoạt trong các mô hình câu lạc bộ; cấp phát tờ rơi; cán bộ dân số, cộng tác viên dân số “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động… Tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, địa bàn huyện Čư M'gar đã xảy ra 08 trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên đây là những trường hợp thống kê được, thực tế còn có thể nhiều hơn. Bởi nhiều trường hợp hai bên gia đình không khai báo với chính quyền địa phương, không tổ chức đám cưới, tự nguyện cho con trẻ về ở chung với nhau.
Thực tế cho thấy – tình trạng nạn tảo hôn đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của cả đôi nam, nữ. Nhiều cô gái phải làm vợ, làm mẹ ở tuổi mói lớn khi kiến thức cũng như kinh nghiệm cuộc sống chưa nhiều, nên đã dẫn đến những hệ lụy đáng buồn. Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng tảo hôn, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình cùng những hệ lụy của việc tảo hôn, thì ngành y tế, chính quyền địa phương cần có những biện pháp xử lý, răn đe, giáo dục kịp thời để nêu gương trong cộng đồng, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
-S.Pa-