Huyện Čư M'gar vận động thực hiện tốt biện pháp đình sản nữ
Hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình gia đình ít con no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thông qua công tác truyền thông vận động, những năm gần đây, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động về chính sách dân số/KHHGĐ, nên tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng, đặc biệt rất nhiều trường hợp đã tự nguyện áp dụng biện pháp tránh thai đình sản.
Cán bộ dân số thị trấn Ea Pôk đang vận động tuyên truyền chị em thực hiện các biện pháp tránh thai
Trước đây do không sử dụng biện pháp tránh thai nào, nên cứ 02 đến 03 năm chị H'Griêk Niê ở buôn Ea Mấp (thị trấn Ea Pốk) lại mang bầu và sinh con. Tuy mới 37 tuổi nhưng chị H'Griêk Niê đã là mẹ của 07 người con. Sinh đông con, sinh dày, nên chị không có thời gian cùng chồng phát triển kinh tế mà phải ở nhà trông con. Gia đình chỉ có vài sào cà phê, công việc và thu nhập của chồng không ổn định nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn… Được cán bộ và cộng tác viên dân số thị trấn Ea Pốk đến tận nhà tuyên truyền, vận động, chị H'Griêk Niê dần hiểu được và tự nguyện áp dụng biện pháp tránh thai đình sản để không lo bị vỡ kế hoạch như những lần trước đây…
Nhằm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại - những năm qua, Trung tâm Y tế huyện Čư M'gar đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, chuyển đổi hành vi sinh sản, đặc biệt tại những khu vực có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Hằng năm Trung tâm Y tế huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: Tăng cường tuyên truyền bằng xe lưu động trong cộng đồng dân cư, phát băng tuyên truyền về chính sách dân số/KHHGĐ; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về dân số/KHHGĐ; tuyên truyền trong các buổi họp nhóm, lồng ghép sinh hoạt trong các câu lạc bộ; cấp phát tờ rơi; chỉ đạo cán bộ dân số, cộng tác viên dân số kiên trì đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động những cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai; tư vấn cho các gia đình hộ nghèo, gia đình đông con về tính an toàn, hiệu quả của biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là biện pháp đình sản; dẫn chứng về người thật, việc thật, giúp các đối tượng chuyển đổi hành vi và tự giác chấp nhận áp dụng đình sản một cách tự nguyện. Từ những nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số, cộng tác viên dân số đã giúp cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn huyện có những suy nghĩ và nhận thức đúng đắn về biện pháp đình sản, từ đó lựa chọn để thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt nhiều cặp vợ chồng tuy sinh con 01 bề nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp đình sản để có điều kiện chăm sóc con cái và phát triển kinh tế được tốt hơn.
Thống kê từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã vận động được 74 trường hợp tự nguyện áp dụng biện pháp đình sản nữ để chăm lo xây dựng gia đình. Lũy kế đến nay toàn huyện đã có gần 800 trường hợp trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp đình sản nữ còn tác dụng. Đình sản là biện pháp tránh thai hiện đại vĩnh viễn, hiệu quả tránh thai cao, phù hợp với những cặp vợ chồng đã có đủ 02 con, hoặc gia đình đông con nhưng chưa sử dụng các biện pháp tránh thai nào khác. Việc áp dụng biện pháp tránh thai đình sản đã hạn chế tình trạng có thai ngoài ý muốn ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, giảm tình trạng sinh con thứ 03 trở lên, góp phần ổn định dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở địa phương./.
-S.Pa-