Khó khăn trong việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Xe mô tô hiện nay là phương tiện sử dụng khá phổ thông trong việc đi lại sinh hoạt và sản xuất của người dân, nên nhu cầu tham gia thi sát hạch để được cấp giấy phép lái xe mô tô trên địa bàn huyện khá cao. Tuy nhiên hiện có một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân ở vùng sâu vùng sa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số chưa có giấy phép lái xe vẫn thường xuyên điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và là nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn, va chạm giao thông trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Xuân Luật - Phó trưởng Công an xã Ea Kuếh tâm sự: Ea Kuếh là xã vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên tình trạng người dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất nhiều. Các lỗi vi phạm chủ yếu: Không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chở quá số người quy định, không có gương chiếu hậu… Nhằm hạn chế tai nạn xảy ra trên địa bàn, Ban Công an xã thường xuyên phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông-trật tự cơ động (Công an huyện) và chính quyền, các đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi phát động quần chúng, họp thôn, buôn, sinh hoạt chi-tổ-hội và trong các buổi chào cờ ở các trường học, tổ chức ký cam kết giữa nhà trường, phụ huynh và các em học sinh không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, xã Ea Kuếh đã phối hợp với các lực lượng tổ chức được 04 đợt tuần tra kiểm soát giao thông trên địa bàn. Qua đó đã kịp thời phát hiện và lập biên bản xử lý 29 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông… Tuy nhiên việc phổ biến, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và tổ chức thi sát hạch cấp giấy phép lái xe ở xã Ea Kuếh nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do trình độ học vấn của đồng bào vùng sâu vùng xa còn thấp, nhiều trường hợp không biết chữ nên không đủ điều kiện để được đào tạo, thi sát hạch cấp giấy phép lái xe, mặc dù các đối tượng này đều đủ năng lực, hành vi về điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông và nhu cầu của họ muốn có giấy phép lái xe rất cao. Tuy chưa có giấy phép lái xe, nhưng họ vẫn thường xuyên điều khiển phương tiện tham gia giao thông, khi gặp lực lượng chức năng thì tránh né hoặc bỏ chạy. Nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý thì không đến cơ quan công an làm việc, chấp nhận bỏ phương tiện giao thông vì số tiền phạt vi phạm hành chính lớn hơn so với giá trị phương tiện bị tạm giữ.
Qua trao đổi với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện cho biết: Là đơn vị được cấp phép của Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hai bánh (hạng A1), mỗi đợt thi có rất nhiều trường hợp Trung tâm không nhận hồ sơ của các thí sinh do không đủ điều kiện đào tạo, thi sát hạch. Nguyên nhân chính do các thí sinh có trình độ học vấn quá thấp, không biết đọc, không biết, khi mua hồ sơ về nhà nhờ người khác viết hộ, nên đến buổi học lý thuyết sát hạch Trung tâm phát hiện và bắt buộc phải trả lại hồ sơ. Những trường hợp này, Trung tâm cũng đã giải thích cặn kẽ để họ hiểu nguyên nhân vì sao và vận động, khuyến khích họ cố gắng theo học các lớp bổ túc văn hóa, đảm bảo biết chữ thì mới đủ điều kiện được đào tạo, thi sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Trước một bộ phận không nhỏ người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo, tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ mà vẫn thường xuyên điều khiển các phương tiện tham gia giao thông thì đây là một hồi chuông đáng báo động. Vì vậy các cơ quan chức năng cần có các chế tài và chính sách hỗ trợ cho các đối tượng để họ được đào tạo, được thi sát hạch cấp giấy phép lái xe. Từ đó góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn và va chạm giao thông đáng tiếc có thể xảy ra trên địa bàn./.
H Xiu